Người thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Hơn 30 năm công tác, nghiên cứu khoa học, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy (giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ) đã khẳng định, niềm đam mê và đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố không thể thiếu đối với một nhà khoa học chân chính. 

PGS.TS Nguyễn Minh Thủy (hàng đầu thứ 5 từ phải sang) cùng sinh viên. Ảnh: NVCC
PGS.TS Nguyễn Minh Thủy (hàng đầu thứ 5 từ phải sang) cùng sinh viên. Ảnh: NVCC

Đến thời điểm hiện tại, cô Thủy đã nghiên cứu thành công trên 60 sản phẩm công nghệ các loại từ rau, củ quả, thủy sản… 

Chọn mảnh đất màu mỡ

Chia sẻ về lý do đã chọn và gắn bó với ngành Chế biến và Bảo quản nông sản, cô Thủy cho biết: “Việc chọn ngành học của tôi đã ấp ủ khi còn học trên ghế nhà trường cấp 3. Đặc biệt, tôi ảnh hưởng rất lớn từ người mẹ kính yêu. Ngoài giờ học, tôi thường giúp mẹ xử lý nguyên liệu chế biến những món ăn ngon. Từ đó đã thôi thúc trong tư duy và suy nghĩ của tôi phải theo học ngành này. Khi tôi nhìn thấy ngành học Chế biến của Trường Đại học Cần Thơ trong danh sách tuyển sinh, ngay thời điểm đó tôi nghĩ mình đã chọn được đích đến để thực hiện ước mơ”.

Bước vào ngưỡng cửa đại học với ngành nghề yêu thích, cô Thủy được thỏa mãn niềm đam mê “chế biến” các nguyên vật liệu trong ngành thực phẩm. Và giấc mơ tạo một sản phẩm nào đó trên quy mô lớn hơn bữa ăn gia đình từ những nguyên liệu hàng ngày đã thôi thúc cô học tập thật tốt.

Năm 1984, tốt nghiệp, cô được giữ lại làm giảng viên. Năm 1991, cô giành được học bổng đi học thạc sĩ tại Viện Kỹ thuật châu Á tại Thái Lan với chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch - một ngành học rất mới, rất rộng lớn. Đây là giai đoạn đặc biệt nâng cao kiến thức chuyên ngành.

Cô đã được học rất nhiều điều mới lạ, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và được làm luận án tốt nghiệp tại nhà máy chế biến thực phẩm với sự hỗ trợ rất cao của giáo sư và kỹ thuật viên nơi đây. Cô tận dụng hết tất cả thời gian để học tập và tự nâng cao kiến thức chuyên ngành.

Năm 2007, cô tham gia Chương trình học Tiến sĩ tại Trường Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ. Khoảng thời gian này, cô đã học được nhiều hơn nữa các kiến thức chuyên sâu bên cạnh các kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm tiên tiến của châu Âu. Cô nhận ra kho tàng kiến thức là vô tận, khao khát được chinh phục kho tàng ấy để thực hiện ước mơ của mình và chỉ có việc học tập với cường độ cao nhất mới có thể giúp thực hiện ước mơ đó.

PGS.TS Nguyễn Minh Thủy (người thứ 3 từ phía trái) không ngừng truyền lửa cho sinh viên
PGS.TS Nguyễn Minh Thủy (người thứ 3 từ phía trái) không ngừng truyền lửa cho sinh viên 

Tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, giá trị dinh dưỡng cao

“Trong quá trình tiếp nhận và lĩnh hội kiến thức, tôi cũng từng mơ ước mang những kiến thức đã học và áp dụng vào việc truyền dạy cho thế hệ sinh viên. Mơ ước sẽ làm giàu thêm tri thức cho các em. Và khi một đất nước có nhiều công dân có trình độ, có tri thức sẽ phát triển rất nhanh, nhanh chóng trở thành một nước phát triển, giàu có, thịnh vượng.

Với suy nghĩ đó thôi thúc, khi hoàn thành chương trình học Tiến sĩ, tôi về nước tiếp nhận lại nhiệm vụ giảng dạy. Đây cũng chính là thời gian nhiệt huyết trong tôi cao nhất. Tôi viết giáo trình chuyển kiến thức vào các học phần giảng dạy cho sinh viên các bậc đào tạo, hướng dẫn các em tập trung vào các nghiên cứu mới với nguồn nguyên liệu phổ biến trong nước, đặc thù theo vùng đồng bằng sông Cửu Long”, cô Thủy chia sẻ.

Những sản phẩm đầu tiên của việc ứng dụng lý thuyết đã học từ quá trình đào tạo được chuyển tải nhanh chóng vào các nghiên cứu với mục đích tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng tốt và hỗ trợ tích cực cho cuộc sống.

Trong nhiều năm qua, các nghiên cứu của cô Thủy tập trung vào các hoạt động bảo quản và chế biến đa dạng các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu đặc thù ở địa phương như trái sim rừng (Phú Quốc và Măng Đen, Kon Tum), cây mía và các loại quả họ citrus như cam, chanh, quýt, bưởi (Hậu Giang), cây khóm (Kiên Giang và Hậu Giang), thốt nốt (An Giang), chôm chôm (Bến Tre), hành tím và nấm linh chi (Sóc Trăng), trái thanh trà và khoai lang tím (Vĩnh Long), trái gấc (các vùng miền), tỏi (Phan Rang)... Hoạt động trắc nghiệm thị trường về các sản phẩm tiêu thụ và hoạt động thương mại hóa sản phẩm sau nghiên cứu cũng được thực hiện hiệu quả.

Thành công từ các đề tài nghiên cứu có thể giúp địa phương sản xuất các sản phẩm có giá trị với quy mô phù hợp theo nguồn cung. Bên cạnh đó, khi giải quyết đầu ra của sản phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu ăn uống và sức khỏe của con người, tăng thu nhập cho người trồng theo hướng bền vững. Từ các kết quả nghiên cứu của NGƯT Nguyễn Minh Thủy, nhiều công nghệ đã được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và vừa với chất lượng đạt chuẩn.

Thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học

Trong thời gian gần đây, nghiên cứu của của cô Thủy còn thực hiện ở giai đoạn sau khi mô hình nông nghiệp đô thị được xây dựng ở thành phố Trà Vinh và Cần Thơ. Hoạt động thu hoạch và xử lý các loại nông sản sau thu hoạch nhằm hướng tới việc tồn trữ và sử dụng rau sạch và an toàn (về mặt vi sinh và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) cũng đã được thực hiện. Thành công của mô hình có thể nhân rộng ở địa phương và tăng thu nhập cho các hộ gia đình.

Từ năm 2010 đến nay, cô Thủy đã chủ trì và tham gia 10 đề tài NCKH các cấp, công bố hơn 130 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín, xuất bản 6 cuốn sách và giáo trình….

Theo NGƯT Nguyễn Minh Thủy, sự thành công và kết quả nghiên cứu đạt được tốt nhất không bao giờ đến với những người ngại đối mặt, luôn ngập ngừng đưa ra quyết định hay bỏ dở công việc giữa chừng. Nếu SV nhận thức việc học tập và nghiên cứu khoa học là công việc yêu thích thì các em sẽ tìm thấy giá trị trong cuộc sống theo chiều hướng tích cực nhất.

“Các em cũng cần xác định hướng đi đúng trong việc khởi nghiệp và tạo lập cuộc sống. Khởi nghiệp phải mang lại lợi ích cho cả bản thân và cộng đồng. Luôn thắp lên ngọn lửa đam mê trong công việc và thực hiện công việc mình yêu thích nhất. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, cần vượt qua mọi thử thách để khẳng định mình vì mọi nỗ lực và kỳ vọng sẽ luôn được đền đáp xứng đáng”, NGƯT Nguyễn Minh Thủy chia sẻ.

Với những thành tích đóng góp cho tỉnh Hậu Giang, NGƯT Nguyễn Minh Thủy đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen; Được Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam tôn vinh tại Chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam”, “Giải thưởng 100 Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”, “Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc” năm 2017. Năm 2017 cô được Nhà nước khen tặng “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; được tham dự “Buổi gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019” tại Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.