(GD&TĐ) - “Người Sila đã khác trước nhiều rồi. Trường tôi, từ năm 2007 đến nay không có trường hợp học sinh nghỉ, chứ không nói là bỏ học” - ông Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chung Chải (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) phấn chấn khi được hỏi về tình hình giáo dục đối với học sinh dân tộc Sila.
Không còn trẻ Sila chưa đến trường
Họ sinh Sila đều đã được đến trường |
Toàn bộ dân tộc Sila hiện chỉ còn khoảng 800 người, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Tè (Lai Châu) và bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Là một trong 9 dân tộc có số lượng người ít nhất tại Việt Nam, lại định cư ở vùng điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, khái niệm về việc học đã từng rất xa lạ với người Sila.
Thế nhưng, ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người Sila đã thay đổi. Tâm huyết của những người thầy tại xã Chung Chải - nơi duy nhất tại Điện Biên có người Sila sinh sống - bao năm qua như mạch nước ngầm bền bỉ, giúp những người dân nơi đây dần hiểu con chữ quan trọng đến nhường nào.
Tâm sự của hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm cho thấy, vùng này, nơi nào có dân, nơi đó có trường học. Bởi vậy mà điểm Trường Tiểu học Chung Chải được xây dựng khang trang nằm ngay trung tâm bản, gia đình nào xa lớp nhất chỉ khoảng trên 100m. Điểm trường tiếp nhận toàn bộ học sinh Sila độ tuổi lớp 1 với 2 em (46 học sinh dân tộc khác cùng học tại điểm trường này - chủ yếu dân tộc Mông) và 3 giáo viên phụ trách. 23 học sinh Sila còn lại học từ lớp 2 đến lớp 5 đều tập trung ở điểm trường chính.
“Tuy nhiên, dù học tại điểm trường hay ở bán trú tại trường trung tâm, học sinh Sila đều được hưởng chính sách đối với dân tộc rất ít người với 40% lương tối thiểu hàng tháng, hưởng trong 12 tháng. Ngoài miễn học phí, các em còn được cấp miễn phí sách vở, đồ dùng học tập.
Do điều kiện học tập thuận lợi, cộng thêm nhiều chính sách quan tâm nên từ năm 2007 trở lại đây, trường không có học sinh Sila nào bỏ học giữa chừng, cũng không có tình trạng đến lớp quá độ tuổi. Đặc biệt, học sinh Sila không hề bị rào cản về ngôn ngữ bởi các em nói thông thạo tiếng phổ thông, đọc dõng dạc con chữ do được rèn từ bậc Mầm non.” - ông Khiêm cho biết.
Dạy học hiệu quả vì chú ý tới bản sắc dân tộc
Tri thức đã đem đến nhiều đổi thay tích cực cho đồng bào dân tộc rất ít người |
Với các thầy cô tại Trường Tiểu học Chung Chải, việc tìm hiểu bản sắc dân tộc đồng bào Sila luôn được coi là công việc quan trọng. Nó giúp nhà trường gần dân hơn, học sinh gần thầy hơn.
Bên cạnh đó, theo hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm, trường đã chỉ đạo sát sao thực hiện đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; xây dựng chương trình đổi mới PPDH và mô hình nhà trường đổi mới PPDH, kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả; chỉ đạo dạy học phân hóa theo năng lực học sinh; xây dựng nguồn học liệu mở câu hỏi, bài tập, giáo án, tài liệu tham khảo, tư liệu dạy học trên website của các trường tiểu học; tích cực ứng dụng CNTT trong đổi mới dạy học. Đặc biệt, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức trò chơi, thể thao, văn nghệ... khiến học sinh rất thích thú khi tới trường.
Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn nhiều trước mắt. Lo lắng nhất là trẻ em Sila ngày càng ít đi do hủ tục hôn nhân cận huyết, rất nhiều trẻ sinh ra chết yểu. Bên cạnh đó, dù trẻ tiểu học đến trường rất đầy đủ nhưng lên đến THCS, đặc biệt cấp THPT, rất nhiều em bỏ học giữa chừng để về xây dựng gia đình...
Lãnh đạo Trường Tiểu học Chung Chải bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, nhà trường có những định hướng đúng đắn và tạo động lực cho các học sinh dân tộc Sila học lên bậc học cao hơn, từ đó về phục vụ quê hương. Đó chính là cách tốt nhất để người Sila ngày càng coi trọng việc học và thay đổi cuộc sống.
Cô giáo Sila đầu tiên Năm nay, Trường Tiểu học Chung Chải tiếp nhận một cô giáo dân tộc Sila tên Pờ Cố Vư, người đầu tiên đại diện cho 177 người dân Sila tại đây cùng góp sức đưa con chữ về bản. Cô giáo Vư trẻ trung, tốt nghiệp Trường CĐSP Điện Biên, rất nhiệt tình, năng nổ. Điều đặc biệt, cô cũng là con dâu của bản, được chính thức công nhận là công dân trong bản nên vô cùng thuận lợi cho trường, không chỉ trong vấn đề dạy học mà còn cả công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động của trường đến với đồng bào Sila nơi đây. “Tôi luôn mong ước học sinh dân tộc Sila lớn lên, tiếp tục học để trở thành thầy cô giáo. Nếu có thêm những giáo viên người dân tộc Sila, việc kèm cặp, dạy học sẽ thực tế, hiệu quả hơn nhiều. Như cô Vư, năm nay được bố trí dạy học ngay tại điểm trường, trung tâm bản Sila. Chính cô sẽ là cầu nối giúp nhà trường mọi vấn đề liên quan đến dân vận, sử dụng ngôn ngữ người Sila lồng ghép trong việc dạy học, đồng thời truyền tải những kế hoạch, nhiệm vụ của nhà trường đến bản Nậm Sin” – Hiệu trưởng Khiêm tâm sự. |
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|