Người dân ở miền Tây đang bàn tán và bán tín bán nghi việc bà Dương Thị Thúy (50 tuổi, ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) gần 25 năm ăn trầu thay cơm. Chia sẻ với PV, bà Thuý cho biết, thông tin bà chỉ ăn trầu mà sống là không chính xác.
Bà Thuý cho hay, gần 25 năm qua bà không ăn cơm |
“Đúng là tôi không ăn cơm từ lúc 26 tuổi. Còn chuyện chỉ ăn trầu mà sống được là không đúng. Hàng ngày tôi vẫn ăn bắp, khoai, thỉnh thoảng mới ăn trầu chứ không ăn thường xuyên. Ăn cơm vào là mệt, tay chân bủn rủn không làm được gì”, bà Thuý nói.
Bà Thuý cho biết, thực đơn hàng ngày của bà và cô con gái là bắp, khoai, dưa hấu, tàu hũ, rau sống.
“Gần 25 năm rồi tôi không ăn cơm, thịt, cá, đồ mặn, nhưng vẫn khỏe mạnh, lao động bình thường”, bà Thuý chia sẻ.
Bà Thuý khẳng định ngoài ăn trầu ra bà còn ăn nhiều thứ khác như khoai, bắp, trái cây... |
Theo lời bà Thúy, lúc nhỏ bà vẫn ăn uống bình thường. Lớn lên bà lấy chồng, sinh con vẫn ăn uống cũng như mọi người. Đến năm 26 tuổi thì bỗng "chán" cơm, từ đó đến nay bà ăn cơm không được.
"Không ăn cơm nhưng tôi cũng không đói. Lúc trước tôi nặng khoảng 45-46kg nhưng hiện tại đã tăng lên 55kg. Trước kia khi còn ăn cơm hay đau ốm, mệt mỏi nhưng từ lúc không ăn cơm thì khoẻ lắm. Nhiều người thắc mắc tôi không ăn cơm sao có thể sống và buôn bán được. Cũng có người khuyên đi bệnh viện khám nhưng tôi thấy không bệnh tật thì đi làm chi", bà Thuý nói.
Anh Tư - hàng xóm của bà Thuý nói: "Ở đây ai cũng biết lâu nay bà Thuý không ăn cơm. Dù không ăn được cơm, thịt, cá nhưng bà ấy vẫn khỏe mạnh".
Ông Dương Văn Triều khẳng định chuyện con gái không ăn cơm là có thật |
Ông Dương Văn Triều (88 tuổi, cha bà Thuý) cho biết, bà Thuý là con gái thứ 3. "Tôi thấy nó không ăn cơm nên kêu đi bệnh viện khám mà nó không chịu đi. Nó nói không bệnh đi bệnh viện chi cho tốn tiền", ông Triều nói.
Điều lạ lùng hơn nữa là mấy năm gần đây con gái của bà Thúy là chị Nguyễn Thị Hường (28 tuổi, đang làm công nhân) cũng có biểu hiện sợ cơm giống mẹ, nhìn thấy cơm là không tài nào cho vào miệng được.
Sau một thời gian ăn cơm không được nên chị Hường cũng không đụng đến một hột cơm nào hay các đồ ăn khác mà bắt đầu ăn trái cây giống mẹ nhưng sức khỏe vẫn bình thường.
Hiện tại, mỗi ngày công việc chính của bà Thuý là đi bán cơm rượu. "Mỗi ngày bán được mấy chục ngàn. Do không phải mua gạo, cá, thịt nên tiền còn y nguyên", bà Thuý cười nói.
Theo các bác sĩ tiêu hoá, con người muốn bảo đảm sự sống thì năng lượng nhận vào phải nhiều hơn năng lượng tiêu hao.
Còn đối với trường hợp của bà Thuý phải có chuyên gia về dinh dưỡng theo dõi thức ăn, đồ uống, trái cây… của bà ăn hàng ngày để biết chính xác năng lượng nhận vào và năng lượng tiêu hao qua các hoạt động.
Nếu số năng lượng nhận vào ít hơn năng lượng tiêu hao mà bà Thuý vẫn sống và làm bình thường là kỳ lạ. Còn năng lượng thu nhận vào bằng năng lượng tiêu hao đây chỉ là chuyện bình thường.