Người phụ nữ dân tộc Nùng sản xuất giỏi

Là người con dân tộc Nùng, chị Lý Thị Nga, sinh năm 1971, ở tổ Xuân Đại, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) với ý chí và sự quyết tâm của người phụ nữ, chị không chỉ là chủ nhân của Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi đi lên làm giàu từ chính nghề nông mà còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục người dân địa phương.

Chị Thị Nga được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.
Chị Thị Nga được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

Từ bán vật liệu xây dựng và kinh doanh vận tải, phân bón, vật tư nông nghiệp, năm 2009 chị Lý Thị Nga quyết định thành lập HTX Thắng Lợi mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả và trồng rừng.

Thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi mà rủi ro lại cao nên không ai nghĩ chị sẽ làm giàu được từ lĩnh vực này mặc dù đã có mục tiêu rõ ràng. Chính vì vậy, chia sẻ về những khó khăn khi chuyển đồi nghề.

Chị Nga cho biết:“ rất nhiều người thân,  bạn bè can ngăn chị. Nếu không đủ niềm tin, không đủ yêu thương với núi rừng, với nông nghiệp chắc tôi cũng ngả nghiêng rồi. Vì trước đó tôi  kinh doanh đang rất ổn định. Trong khi mô hình trang trại chưa biết thế nào mà mức đầu tư theo tính toán lên đến 14 tỷ đồng”

Chị Lý Thị Nga bảo: “Ngay từ khi thành lập, tôi đã xác định mục tiêu phát triển của HTX là khai thác hết thế mạnh sản phẩm thịt lợn rừng sạch từ trang trại đến người tiêu dùng không qua khâu trung gian, bảo vệ người chăn nuôi, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, qua đó làm chủ sản phẩm của mình”.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, trong làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi, HTX của chị cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

“Năm 2017, HTX đã liên kết với người dân 02 xã Cải Viên và Vân An của huyện Hà Quảng, đầu tư con giống cho bà con. Tuy nhiên, năm đó giá lợn đen lên cao thị trường Trung Quốc lại gần với địa phương nên thương lái Trung Quốc đã nhảy vào mua sạch của bà con khiến cho HTX lao đao”, chị Nga nhớ lại.

Cũng trong năm 2017, HTX Thắng Lợi đứng trước nguy cơ phá sản vì đầu tư nhiều mà thu không được. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy, chị Nga đã quyết định bán đi mảnh đất 20m mặt đường và một căn nhà 3 tầng có diện tích 250m2 để vực lại HTX.

“Thời điểm đó, các thành viên và người lao động cũng hết sức tin tưởng, ủng hộ, sẵn sàng chấp nhận chậm lương và thế chấp tài sản giúp củng cố lại HTX”, chị Nga cho biết thêm.

Không chỉ chăn nuôi lợn, mỗi năm HTX Thắng Lợi còn chăn nuôi trên 10.000 gà, 10.000 vịt và 3 khúc suối nuôi cá kết hợp trồng rừng. Chính vì vậy, mà HTX của chị  sau khi trừ các khoản chi phí bình quân thu nhập mỗi năm đạt 7 tỷ đồng.

Khi đã làm giàu được cho mình, chị Nga còn giải quyết việc làm cho 25 nhân công dài hạn với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng và trên 30 lao động thời vụ với thù lao 350.000 – 400.000/ngày. Cùng với đó, chị còn tạo điều kiện cho bà con ứng trước gạch, xi măng, sắt thép, tấm lợp để xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi và trả dần.

Đánh giá về chị Lý Thị Nga, ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cho biết, hội viên Lý Thị Nga là người có ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm và thực tế mô hình của chị Nga đang rất hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm được cho nhiều lao động tại địa phương. Đây là mô hình tốt, rất cần được nhân rộng.

Nhờ nỗ lực bản thân, chị Lý Thị Nga đã được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; được Liên minh HTX Việt Nam trao Bằng Chứng nhận điển hình tiên tiến toàn quốc; Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng công nhận đạt “HTX điển hình tiên tiến của tỉnh” cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Đặc biệt, chị Nga còn được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ