Người phụ nữ bị xương cá mú đâm xuyên ống tiêu hóa hiếm gặp

GD&TĐ - Nữ bệnh nhân 36 tuổi bị sưng đau vùng chậu bẹn. Các bác sĩ phát hiện có xương cá đi xuyên ống tiêu hóa ra ngoài thành bụng, đây cũng chính là lý do người phụ nữ bị đau bụng suốt 2 tuần.

Bác sĩ Võ Thanh Hải thăm khám trước khi bệnh nhân xuất viện. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Võ Thanh Hải thăm khám trước khi bệnh nhân xuất viện. Ảnh: BVCC.

Nữ bệnh nhân D.T.N, 35 tuổi, ở tỉnh Ninh Thuận, nhập Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM với triệu chứng sưng đau vùng chậu bẹn phải 14 ngày, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận người bệnh trước nhập viện 2 tháng từng bị hóc xương cá mú biển, sau khi hóc xương thì không có biểu hiện bất thường. Người bệnh được phát hiện có dị vật cản quang tại vùng bụng dưới bên phải.

Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, bóc tách, cắt trọn khối u viêm và phát hiện bên trong có khối dị vật là xương cá dài khoảng 1,5-2cm. Sau mổ, người bệnh hồi phục tốt và đã được xuất viện.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, trường hợp nêu trên cực kỳ hiếm gặp, khi dị vật đi xuyên ống tiêu hóa ra ngoài thành bụng mà không hề gây chảy máu tiêu hóa, viêm nhiễm hay áp xe trong ổ bụng.

Trên thế giới, chỉ có hai trường hợp tương tự từng được ghi nhận. Cụ thể, vào năm 2010, tại Anh, một bệnh nhân tâm thần nuốt dị vật sắc nhọn và được phẫu thuật lấy dị vật ở thành bụng trên bên phải; và vào năm 2015, tại Ấn Độ, một trường hợp nuốt tăm tre cũng được phẫu thuật lấy dị vật ở bụng trên bên phải.

Theo bác sĩ Võ Thanh Hải - Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115, người dân trong quá trình ăn uống, nhất là các thực phẩm có nguy cơ gây hóc dị vật như cá xương to, trái cây có hạt cứng, xương sụn, xương gà, vịt, lợn... thì nên ăn chậm, nhai kỹ, không đùa, nói chuyện khi ăn.

Hóc dị vật có thể gây biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường tiêu hóa, thủng thực quản, dạ dày, ruột, viêm phúc mạc, áp-xe trong ổ bụng..., thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ