Người phát minh chiếc máy rửa bát đầu tiên

GD&TĐ - Ban đầu Josephine Cochran (Mỹ) chỉ muốn có phương tiện tiện ích để những người phục vụ không làm hỏng bộ đồ ăn quý và không làm tổn hại bàn tay và thời gian quý báu của mình. Song từ ước muốn đó, bà đã bất ngờ trở thành người nổi tiếng trên khắp thế giới với sản phẩm chiếc máy rửa bát.

Josephine Cochran và chiếc máy rửa bát của mình
Josephine Cochran và chiếc máy rửa bát của mình

Ý tưởng sáng tạo

Josephine Cochran sinh ngày 8/3/1839. Khả năng sáng tạo và phát minh của bà được thừa hưởng từ những người thân. Ông John Garis, cha của Josephine đã sử dụng tài năng kỹ thuật của mình với tư cách kỹ sư quy hoạch đô thị của Chicago vào năm 1850, còn ông cố là John Fitch đã phát minh ra tàu thủy vào năm 1786.

Năm 1858 Josephine đã may mắn kết hôn với một doanh nhân thành đạt là William Cochran. Bà Cochran giữ vai trò của một nữ chủ nhà quý tộc, thường tổ chức những bữa tiệc dành cho các đối tác kinh doanh và khách hàng của chồng mình.

Như một người vợ yêu, bà cố gắng hoàn thành mọi việc ở mức cao nhất, bởi tương lai kinh doanh của chồng cũng như của bản thân bà phụ thuộc vào điều này. Khi dọn bàn ăn, Josephine sử dụng những bộ đồ ăn bằng sứ cổ Trung hoa được lưu giữ trong gia tộc từ những năm 1600.

Một lần, Josephine thấy trong lúc rửa bát người giúp việc đã làm hư hại chúng. Sau sự cố đó bà đã tự tay rửa những bộ đồ quý này nhưng Josephine cũng thất vọng và bực tức vì phải tốn mất bao nhiêu thời gian để rửa và sấy những chiếc đĩa ăn cũng như tình trạng tồi tệ của bàn tay mình sau khi rửa. Từ đó Josephine suy nghĩ: phải có một cách khác để giải quyết chuyện đĩa bát bẩn!

Cảm hứng đến với Josephine vào đầu năm 1880 trong một buổi tiệc trà. Bà có ý tưởng sẽ sử dụng tia nước để rửa bát. Bà liền vào thư viện của mình và chỉ sau nửa giờ đã làm một bản tóm tắt các khái niệm về phát minh của mình.

Ý tưởng đó là: dưới áp lực mạnh của nước có chứa hỗn hợp xà phòng, những bộ đồ ăn đã được giữ chắc chắn trên một tấm lưới kim loại sẽ được rửa sạch. Chồng bà và bạn bè ủng hộ ý tưởng và khẳng định sẽ thực hiện nó. Thế nhưng ông William Cochran đã không kịp sống cho đến khi ra được bản mẫu thử nghiệm sáng chế này, ông qua đời vào năm 1883.

Sau khi chồng chết, Josephine đã phải chịu những áp lực về tinh thần và tài chính. Bà chỉ còn lại một chút của thừa kế để duy trì mức sống quen thuộc. Theo lẽ thông thường thì Josephine nên chuyển đến sống với người thân hoặc tìm kiếm một công việc. Song với ý chí và tính cách của mình, không điều gì có thể làm lay chuyển quyết tâm của bà phải thực hiện quyết định của mình cho đến cùng.

“Các vị đều biết rằng người phụ nữ ở thời đại chúng ta không được học kiến thức về kỹ thuật, điều này đặt chúng tôi vào thế bất lợi và không bình đẳng với nam giới. Tôi không thể buộc đàn ông tạo ra phát minh theo ý mình được, trong khi họ không ít lần đã có ý tưởng sai lầm. Họ biết rằng tôi không có các kỹ năng về kỹ thuật và tôi không có ý niệm gì về cơ khí và họ nghĩ rằng điều này làm cho họ tự tin, nhưng họ lại không hiểu rằng những ý tưởng của tôi được phát huy tốt hơn mà không phụ thuộc vào ý tưởng trước đó của họ”.

Josephine đã thuê một người thợ cơ khí đường sắt là George Batters hỗ trợ cho mình. Và rồi chỉ hai tháng sau đó thì chiếc máy rửa bát đầu tiên ra đời. Những người hàng xóm ngạc nhiên với cơ cấu của máy, thậm chí một người còn gọi chiếc máy này là “phước lành của nhân loại”. Một doanh nhân địa phương đã cho nhà nữ sáng chế lời khuyên: “Bà hãy cố gắng cung cấp loại máy này cho những khách sạn lớn. Họ cần nhiều bộ đồ ăn sạch sẽ và họ có thể sẽ tiết kiệm được nhờ có chiếc máy rửa bát”.

Ngày 28/12/1886 Josephine đã được nhận bằng sáng chế cho phát minh của mình. Lúc đầu bà dự định giới thiệu sản phẩm ra thị trường như một đồ gia dụng chỉ dùng trong nhà. Song bà nhận ra rằng làm điều này là không thực tế.

Có lần khi đã trả lời phỏng vấn bà đã nói rằng: “Khi nói đến việc mua một thứ gì đó có giá từ 75 thậm chí là 100 đô-la thì ở những người phụ nữ liền xuất hiện ý nghĩ “Để làm gì chứ, tôi có thể tiêu phí mất bao nhiêu tiền?” - “Ngay cả khi phụ nữ rất ghét rửa bát thì họ cũng không phải là người quyết định cuối cùng. Mà những người đàn ông, thông thường thì họ có cách nhìn thiếu tích cực đối với những đồ dùng tiện ích đắt đỏ dùng cho nhà bếp” - Josephine phàn nàn.

Thành công ngoài mong đợi

Là một nữ doanh nhân thực sự, Josephine đã đến Chicago để thuyết trình tại các nhà hàng và khách sạn. Bà đã thực hiện thành công chuyến giao dịch bán hàng đầu tiên ở Palmer Hotel-một trong những khách sạn nổi tiếng nhất nước Mỹ. Từ đây Josephine tiếp tục đi đến Sherman House cũng là một khách sạn nổi tiếng không kém.

“Các vị hỏi tôi rằng điều gì là khó khăn nhất trong công việc của tôi?” - bà Cocharan nói trong một cuộc phỏng vấn của tờ Record-Herald. “Việc khó khăn nhất là đi đến khách sạn Sherman House một mình. Các vị không tưởng tượng nổi đó là những ngày thế nào đối với tôi đâu, 25 năm trước thì việc có mặt tại tiền sảnh khách sạn là một điều cấm kỵ đối với phụ nữ. Tôi chưa bao giờ xuất hiện ở một nơi công cộng đông người mà không có chồng hoặc cha mình. Tôi có cảm giác là tiền sảnh của khách sạn rộng lớn đến cả dặm. Tôi đã nghĩ rằng mình đang ngất đi, nhưng tôi vẫn đứng vững và đã ký được một hợp đồng 800 đô-la, đó là thắng lợi của tôi”.

Nhưng thành công vẻ vang đối với công ty non trẻ của Josephine được bắt đầu vào năm 1893, khi đó 9 chiếc máy Garis-Cochran đã liên tục rửa bát đĩa phục vụ cho rất nhiều du khách đến Hội chợ Thế giới tại Chicago. Chiếc máy đã nhận được giải thưởng “Thiết kế tối ưu và độ tin cậy” và thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với những người phụ nữ có mặt tại Hội chợ.

Năm 1889 bà Cochran mở nhà máy của mình ở gần Chicago. Những chiếc máy rửa bát bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Các nhà hàng và khách sạn hào hứng mua. Tiếc rằng vào năm 1913 ngay trước khi công ty bắt đầu trên đà phát triển lớn mạnh thì bà Josephine qua đời.

Mặc dù trải qua một chặng đường dài để tiến đến thành công nhưng Josephine Cochran chưa bao giờ phải tiếc nuối về số phận của mình. “Nếu như tôi biết tất cả những gì mà tôi sẽ phải đối mặt ngày hôm nay, khi tôi bắt đầu xúc tiến việc đưa chiếc máy rửa bát của mình ra thị trường, thì chắc tôi đã không đủ can đảm để bắt đầu tất cả mọi chuyện”- bà nói khi nhìn lại quá khứ. “Nhưng nếu như vậy thì tôi sẽ không bao giờ được trải qua một cuộc sống độc đáo và kỳ lạ như thế này”.

Năm 1926 công ty của bà Josephine Cochran đã được mua lại bởi Hobart - một công ty có danh tiếng về sản xuất những sản phẩm kỹ thuật tuyệt hảo. Sau đó công ty này được đổi tên thành KitchenAid, ngày nay nó là một phần của tập đoàn WhirlPool. 

Josephine Cochran không giàu lên từ phát minh của mình, nhưng bà có nguồn thu nhập ổn định đảm bảo một cuộc sống thoải mái cho bản thân và các nhân viên của mình. Không lâu trước khi qua đời, người phụ nữ này đã nói: “Đó là một thế giới tốt đẹp, và mỗi ngày nó sẽ càng trở nên tốt hơn”.

Theo báo Phụ nữ Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian