Frank Epperson (bên trái) và kem cây Popsicle
Một đêm giá lạnh năm 1905, cậu bé Frank Epperson 11 tuổi để một ly soda và chiếc đũa quậy trên hiên nhà. Khi thức dậy, cậu thấy nó đông thành kem với chiếc đũa là tay cầm. Theo tờ New York Times, năm 1924 bằng sáng chế được cấp cho phát hiện “may mắn” này và kem cây Popsicle ra đời rất được trẻ em ưa chuộng.
Blaise Pascal và bảng tính cơ khí
Nhà toán học, vật lý kiêm triết gia Pháp Blaise Pascal nổi tiếng về việc tạo ra bảng tính cơ khí. Ông bắt đầu mày mò với công trình của mình từ năm 1642 lúc còn ở độ tuổi thiếu niên. Động cơ là để bớt gánh nặng cho người cha, một viên chức thuế. Thước tính Pascaline có thể cộng và trừ số nguyên bằng cách dùng hệ thống bánh xe để thao tác.
William Henry Perkin và thuốc nhuộm quinine
Năm 1856, học sinh William Henry Perkin 18 tuổi được giáo viên hóa giao nhiệm vụ tìm ra cách nào rẻ nhất để sản xuất quinine dùng chữa trị sốt rét vào lúc đó. Nhưng quinine của Perkin làm từ nhựa than (coal tar) không có tác dụng như thế. Nó là một chất màu đen (black goo) mà khi rửa sạch sẽ để lại màu tím đậm. Loại quinine mới này có thể dùng để nhuộm vải và rẻ hơn màu nhuộm chiết xuất từ thiên nhiên rất nhiều. Perkin đặt tên cho phát hiện là “Tyrian purple” sau đó đổi tên là Mauveine.
Chester Greenwood và đệm giữ ấm đôi tai earmuff
Chester Greenwood vào năm 15 tuổi, một cư dân tại Farmington, Maine rất mê trượt băng nghệ thuật. Một ngày, cậu có ý tưởng làm cách nào giữ ấm cho đôi tai để giảm bớt sự khó chịu. Greenwood nhờ bà nội may những miếng đệm vào khung bằng thép. Từ ý tưởng biến thành hiện thực và 50.000 cặp earmuff được bán ra mỗi năm khi Greenwood mới 25 tuổi. Lúc anh qua đời, hơn 400.000 cặp earmuff được bán ra mỗi năm. Từ 1977, ngày đầu tiên của mùa đông (21/12) được đặt tên là ngày Chester Greenwood Day tại quê nhà Farmington của Greenwood để tưởng nhớ anh với cuộc tuần hành đầy màu sắc.
Benjamin Franklin và chiếc vây bơi
Là vận động viên năng khiếu, năm 11 tuổi, Franklin (nhân vật kiệt xuất của nước Mỹ sau này) đã phát minh ra vây (flipper) bơi lội gồm những miếng gỗ 10x6-inch hình oval ghép lại mà khi bỏ tay vào sẽ tăng sức mạnh của những cú đập nước. Tuy nhiên, nó lại làm bị thương cổ tay (ông công nhận điểm yếu này trong cuốc sách On the Art of Swimming). Vì vậy, Franklin chuyển nó xuống chân dù hiệu quả không cao bằng. Viện Franklin Institute mang tên ông hiện vẫn còn hoạt động.
Philo Farnsworth và chiếc TV đầu tiên không dùng thành phần cơ khí
Sinh năm 1906 tại Beaver, Utah, từ lúc còn bé, Philo Farnsworth đã tin rằng các hệ thống cơ khí của TV là nguyên nhân làm hình ảnh bị chậm, không liên tục vì máy không thể hiển thị được nhiều hình hơn trong mỗi giây. Theo tờ The New York Times, năm 1921, Farnsworth bắt đầu giới thiệu cải tiến của mình tại trường trung học và 6 năm sau đó bằng sáng chế được cấp. Tháng 9/1928, Farnsworth chính thức giới thiệu chiếc TV dùng toàn linh kiện điện tử cho báo chí.
Joseph-Armand Bombardier và chiếc xe Ski-Doo
Sinh năm 1907, Joseph-Armand Bombardier sống tại tỉnh Quebec, Canada bắt đầu tự làm những đồ chơi cơ khí vào năm 13 tuổi và sau đó là ráp động cơ chạy bằng hơi nước. Cha ông, Alfred, không hài lòng lắm với tác phẩm của con nên sửa lại động cơ và cho Joseph-Armand một chiếc xe đồ chơi Model T Ford để chơi. Nhưng thật bất ngờ, đầu năm mới 1922, Bombardier khoe với cha một động cơ có cánh quạt giống như trong ảnh. Thử nghiệm xong, người anh Leopold thấy nguy hiểm tiềm tàng nên đề nghị ông tháo ra. Jospeh-Armand không đồng ý và năm 1937 hệ thống sprocket wheel/track system của ông được cấp bằng sáng chế. Đến năm 1958, chiếc xe Ski-Doo sử dụng hệ thống này được xem là đột phá công nghệ của Bombardier.
Louis Braille và chữ cho người mù
Louis Braille sống trong thế kỷ 19 tại Pháp bị mù do tai nạn năm mới 3 tuổi. Nhưng để mù lòa không giết chết giấc mơ trở thành nhạc sĩ của mình, năm 15 tuổi, Braille bắt đầu nghiên cứu biến hệ thống nhắn tin quân đội thành hệ thống chữ Braille dành cho người mù. Anh xuất bản nhiều cuốn sách giáo khoa Braille, cứu tinh của những người thiếu may mắn như anh. Một thế kỷ sau khi Braille qua đời vào năm 1852, thi hài ông được khai quật và cải táng tại đền Pantheon ở Paris cùng với các anh hùng Pháp khác để ghi nhận công lao rất lớn của ông.
Boyan Slat và giải pháp thu gom rác đại dương
Năm 1980, các nhà khoa học phát hiện ra một xoáy rác khổng lồ tại Great Pacific, thủ phạm gây ô nhiễm đại dương. Boyan Slat thuộc số người phản ứng đầu tiên trước tin xấu này. Bằng cách dùng những chiếc ống nổi dài 1-2km với tấm lưới nằm bên dưới và kết với nhau thành một mảng, anh tin rằng hệ thống thu gom rác này sẽ gom được tất cả các loại rác thải, kể cả nhựa từ xoáy rác, và 50% lượng rác thải sẽ được thu hồi trong 5 năm. Thật ra, Slat ấp ủ ý tưởng dọn dẹp đại dương từ năm 16 tuổi. Khi anh thành lập công ty để biến giấc mơ thành hiện thực, khoản tài trợ 20 triệu USD đã được trao tay vào giữa năm 2017. Nhưng đến năm 2018, công việc dọn dẹp mới được tiến hành.
George Nissen và bàn nhún trampoline
George Nissen là vận động viên thể dục dụng cụ và cũng là người phát minh ra bàn nhún trampoline vào thập niên 1930 từ lúc còn là học sinh trung học và tham gia đoàn xiếc Iowa Hawkeye Circus. Nhờ sáng kiến mới của anh mà các diễn viên xiếc có thể tạo dáng trên không dễ dàng mà không sợ tai nạn nếu bị rơi xuống. Nissen tiếp tục hoàn thiện trampoline và năm 1945 được cấp bằng sáng chế. Năm 1960, Nissen giới thiệu con kangaroo Victoria có thể nhảy trampoline cùng với ông tại Yonkers, New York.