Ông Lê Hữu Nghĩa, một hộ nuôi cua ở huyện Năm Căn cho biết, cua nuôi trong vuông của gia đình chết rải rác từ đầu tháng đến nay.
Qua theo dõi, cua có hiện tượng bỏ ăn, ít vận động, khi bắt được đem lên khô khoảng vài giờ thì bắt đầu chết. Một số con chết nổi trên mặt nước, số khác thì bò lên bờ nằm chết.
"Hằng năm mỗi khi tới mùa hạn, nhất là những năm nắng hạn gay gắt, cua thường hay chết, dù chủ động chăm sóc nhưng vẫn không tránh khỏi, tỷ lệ thiệt hại khoảng từ 30% đến 70%”, ông Nghĩa buồn bã nói.
Cùng ở huyện Năm Căn, hộ ông Lê Văn Tính cũng có cua chết nhiều, gia đình rất lo lắng khi chưa tìm ra giải pháp phòng bệnh hiệu quả.
"Nuôi cua là nguồn sinh kế chính của gia đình, nếu thời gian tới tình trạng cua chết không được khắc phục kịp thời cuộc sống gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Tính lo lắng nói.
Ông Trương Minh Út, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, qua khảo sát nắm tình hình, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000ha cua nuôi của hơn 500 hộ dân bị chết.
Trong đó, huyện Đầm Dơi có diện tích cua nuôi bị chết nhiều nhất với hơn 1.200ha của 280 hộ nuôi tập trung ở 6 xã: Tân Thuận, Tân Tiến, Nguyễn Huân, Tân Đức, Thanh Tùng và Tạ An Khương Nam, mức độ thiệt hại từ 5% đến 30% .
Tiếp đến là huyện Năm Căn có diện tích cua nuôi bị thiệt hại gần 700ha với 241 hộ nuôi thuộc 6 xã: Tam Giang, Tam Giang Đông, Hàm Rồng, Lâm Hải, Hàng Vịnh và Hiệp Tùng, mức độ thiệt hại từ 25% đến 40%.
Riêng tại huyện Ngọc Hiển diện tích cua chết khoảng 15ha, tập trung chủ yếu ở xã Tân Ân Tây.
Cua chết nổi lên mặt nước trong vuông tôm. |
Cũng theo ghi nhận của cơ quan chức năng các huyện, cua chết xuất hiện ở tất cả các kích cỡ nuôi từ 10 đến 15 con/kg cho đến 3 - 4 con/kg. Trong vuông chỉ có cua chết còn tôm và các đối tượng khác nuôi kết hợp chưa có dấu hiệu ghi nhận bất thường.
Qua lấy mẫu cua nuôi bị chết gửi đi phân tích, kết quả từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, cua chết có ký sinh Zothamium spp, sự hiện diện của giáp sát chân đều, ký sinh trùng và sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus..., lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau cho biết.
Cơ quan chuyên môn lấy mẫu cua chết đưa đi xét nghiệm. |
Hiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh trên cua phát triển, dự báo thời gian tới diện tích cua chết sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi hiện nay chưa có kết quả nghiên cứu chính thức giải pháp phòng, trị bệnh trên cua thương phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi cua cần thu hoạch ngay số cua còn lại trong vuông có cua bệnh để hạn chế thiệt hại. Không nên thả thêm con giống vào thời điểm này.
Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để kịp thời cấp thêm nước vào vuông nuôi nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao.
Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong quản lý sức khỏe cua nuôi. Đối với các con cua bị chết, hộ nuôi phải thu gom lại rồi đem chôn, xử lý bằng vôi nóng để hạn chế mầm bệnh lây lan. Tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông rạch dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân nên thu hoạch số cua còn lại trong vuông có cua bệnh. |
Trước tình hình cua chết diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngày 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt đã ký văn bản hỏa tốc gởi các đơn vị, địa phương đề nghị khẩn trương kiểm tra, tìm giải pháp khắc phục, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi một cách hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại.
Riêng Sở Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài, giải pháp khắc phục cua nuôi bị chết và các đề xuất có liên quan, báo cáo về UBND tỉnh trong tháng 3/2024.