Người nước ngoài có thể tham gia HTX?

Người nước ngoài có thể tham gia HTX?

Tăng cường quản lý nhà nước đối với HTX

Theo Báo cáo Thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật hợp tác xã (sửa đổi).

HTX rất cần được tạo điều kiện để phát triển (ảnh minh họa).
HTX rất cần được tạo điều kiện để phát triển (ảnh minh họa).

Qua khảo sát thực tiễn, Ủy ban Kinh tế thấy rằng thực trạng khu vực hợp tác xã hiện nay phát triển chưa thực sự vững chắc, còn gặp nhiều khó khăn. Luật hợp tác xã năm 2003 mặc dù về cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với các yêu cầu, quan điểm phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) nhưng vẫn còn một số hạn chế: chưa làm nổi bật tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã; các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật của hợp tác xã còn thiếu hoặc chưa được hướng dẫn thực hiện, một số tư duy về hợp tác xã không còn thích hợp.

Thêm vào đó, công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã cũng còn nhiều bất cập, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước đối với hợp tác xã chưa được xác định rõ và tổ chức thống nhất với một đầu mối, chế độ thông tin, báo cáo hoặc chưa có, hoặc được thực hiện một cách không thường xuyên.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, với các lý do nêu trên cho thấy cần thiết phải ban hành Luật hợp tác xã (sửa đổi) để bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã có hiệu quả; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, từ đó đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về đối tượng tham gia hợp tác xã (Điều 15), có một số ý kiến cho rằng đối tượng tham gia HTX chỉ nên bao gồm cá nhânpháp nhân, không nên quy định hộ gia đình, vì nếu cho đối tượng này được tham gia HTX thì rất khó quản lý trong thực tế. Có ý kiến đề nghị không nên quy định hộ gia đìnhpháp nhân được tham gia HTX, hoặc nếu cho phép tham gia thì cần quy định số lượng tối đa.

Đa số ý kiến tán thành quy định việc mở rộng đối tượng thành viên là tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam tham gia hợp tác xã vì phù hợp với nguyên tắc“kết nạp rộng rãi” của hợp tác xã, đồng thời quy định theo hướng này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm dịch vụ hoặc mở Văn phòng đại diện tại nước ngoài, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tạm thời chưa cần thiết mở rộng diện đối tượng này tham gia hợp tác xã, vì hiện nay hợp tác xã còn rất nhỏ lẻ, chưa có sức hút rộng rãi.

Mỗi thành viên HTX không góp vốn 30% vốn điều lệ

Về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15, về nghĩa vụ của thành viên quy định tại Khoản 1 Điều 17 và chấm dứt tư cách thành viên quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 18, đa số ý kiến tán thành và cho rằng quy định như vậy là nhằm bảo đảm bản chất của mô hình hợp tác xã là ưu tiên phục vụ cho xã viên.

Tuy nhiên, qua khảo sát, Ủy ban Kinh tế nhận thấy có nhiều hợp tác xã hiện nay (như Hợp tác xã vận tải, Quỹ tín dụng nhân dân...) chủ yếu cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, xã viên chỉ góp vốn và hưởng lãi trên mức vốn góp; số lượng xã viên sử dụng dịch vụ hoặc lao động trực tiếp tại hợp tác xã chiếm tỷ trọng rất thấp. Để áp dụng trên thực tế những quy định về điều kiện thành viên, nghĩa vụ thành viên và chấm dứt tư cách thành viên như quy định trong dự thảo Luật thì cần nghiên cứu làm rõ hướng xử lý đối với những hợp tác xã đã có xu hướng vận động vượt ra khỏi khuôn khổ phục vụ thành viên. Cụ thể, cần bổ sung vào phần giải thích từ ngữ như thế nào là hợp tác xã được thành lập nhằm tạo việc làm cho thành viên; đối với hợp tác xã dịch vụ thì cũng cần làm rõ khái niệm dịch vụ đầu vào và đầu ra, từ đó xem xét có quy định cụ thể về nghĩa vụ sử dụng dịch vụ đầu vào, đầu ra (hoặc cả hai), tính liên tục của việc sử dụng dịch vụ, giá trị tối thiểu của khối lượng dịch vụ xã viên phải sử dụng...

Về mức vốn góp tối đa của một thành viên không vượt quá 30% vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 17, đa số ý kiến cho rằng quy định mức góp vốn tối đa sẽ giúp khẳng định bản chất khác biệt của mô hình hợp tác xã là đề cao nguyên tắc bình đẳng trong quản lý hợp tác xã. Ngoài ra, nếu không khống chế số vốn góp tối đa, xã viên có mức góp vốn cao sẽ được chia lãi nhiều hơn theo tỷ lệ vốn góp và về lý thuyết có thể được chia gần như toàn bộ lợi nhuận hợp tác xã có được. Như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc phục vụ từng thành viên không phụ thuộc số vốn góp (không phải phục vụ cổ đông) của hợp tác xã.

Có một số ý kiến đề nghị quy định tỷ lệ góp vốn của các thành viên là bằng nhau, trong trường hợp nếu HTX cần vốn thì ưu tiên huy động vốn đầu tư của các thành viên HTX và trả lãi suất thỏa thuận trên phần sinh lời của vốn huy động đầu tư. Cũng có ý kiến đề nghị không nên giới hạn tỷ lệ góp vốn vì như vậy sẽ không phát huy, khai thông kênh huy động vốn cho hợp tác xã vốn đang rất khó khăn về tiếp cận tín dụng.

Chia lợi nhuận HTX theo cách nào là hợp lý?

Việc phân phối lợi nhuận phải dựa trên mức độ đóng góp của từng xã viên, trong đó mức độ đóng góp thông qua việc sử dụng dịch vụ, sản phẩm của hợp tác xã có ý nghĩa quan trọng. Xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng của hợp tác xã. Xã viên càng tiêu thụ nhiều sản phẩm, dịch vụ thì doanh thu và lợi nhuận của hợp tác xã càng tăng, theo đó lợi ích của xã viên (khi được phân phối lại lợi nhuận) cũng tăng theo.

Có ý kiến đề nghị cần quy định tỷ lệ cứng cho việc phân phối lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp, để đảm bảo hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo bản chất. Tuy nhiên, có ý kiến khác lại cho rằng với từng loại hình hợp tác xã khác nhau thì mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cũng khác nhau, chẳng hạn hợp tác xã vận tải, hợp tác xã xây dựng... nếu quy định cứng áp dụng cho tất cả các loại hình hợp tác xã là không phù hợp.

Một số ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật về phân chia lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên được thực hiện sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và trích lập các quỹ có những điểm chưa hợp lý, chưa đúng với tính chất đặc thù của hợp tác xã, thông lệ quốc tế và làm mất lợi thế của hợp tác xã. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, khác với các loại hình doanh nghiệp, việc phân phối lợi nhuận của hợp tác xã là dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ và vì vậy được phép hạch toán như một khoản chi phí trước thuế (được thực hiện ngay khi xã viên sử dụng dịch vụ thông qua việc giảm giá, hoàn lại một phần tiền).

Ủy ban Kinh tế, đề nghị nghiên cứu thêm về vấn đề này, trong trường hợp cần thiết cần có quy định đặc thù về chế độ hạch toán và chế độ thuế của hợp tác xã để một mặt phù hợp với thông lệ quốc tế, mặt khác khuyến khích xã viên sử dụng nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ