Bác sĩ Ung Văn Việt, Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc không rõ ràng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh là có ít máu trong phân. Dấu hiệu này cũng có thể do trĩ, viêm loét đại tràng...
Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt sau 50 tuổi. Người có tiền sử cá nhân bị viêm loét đại trực tràng hay gia đình có người ung thư đại trực tràng. Người đã cắt hoặc phát hiện có polyp, viêm ruột mạn tính, người ít vận động hoặc béo phì...
Theo bác sĩ Việt, ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa bằng cách phát hiện sớm các polyp từ lúc chưa phát triển thành ung thư và cắt bỏ bằng nội soi. Trường hợp phát triển thành ung thư thì vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Nội soi đại tràng để phát hiện polyp và điều trị ung thư sớm. |
Để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, phải chủ động tầm soát ngay cả khi không có triệu chứng. Có ba phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng:
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Các mạch máu của polyp hoặc khối u đại trực tràng thường dễ gây tổn thương như chảy máu khi phân đi qua. Trường hợp lượng máu ít chưa nhìn thấy bằng mắt thường, cần xét nghiệm tìm máu trong phân.
- Nội soi đại tràng: Khi kết quả xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân dương tính, bệnh nhân được nội soi đại tràng để phát hiện polyp và điều trị ung thư sớm.
- Nội soi đại tràng ảo: Chụp CT đại tràng được coi như phương pháp nội soi ảo giúp thể hiện rõ nét hình ảnh 3D của toàn bộ cấu trúc lòng đại tràng.
Tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đứng thứ ba sau ung thư phổi và ung thư dạ dày ở nam, sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư có thể lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là gan và phổi. Khi đó khả năng điều trị không còn, thời gian duy trì sự sống của người bệnh cũng giảm nhiều.