Đồng bào vùng cao Điện Biên rộn rã đón Tết Độc lập

GD&TĐ - Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tết Độc lập năm nay tại tỉnh Điện Biên diễn ra rộn rã hơn. Đồng bào các dân tộc nô nức hòa mình với đa dạng hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian.

Khắp các bản làng vùng cao, từ sáng sớm đồng bào các dân tộc đã "xúng xính" trong bộ trang phục truyền thống đón Tết Độc lập.
Khắp các bản làng vùng cao, từ sáng sớm đồng bào các dân tộc đã "xúng xính" trong bộ trang phục truyền thống đón Tết Độc lập.

Ngay từ sáng sớm, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp xuyên suốt chiều dài thành phố Điện Biên Phủ, bà con trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu đã kéo nhau xuống hội. Thu hút nhất là những chàng trai, cô gái người Mông, với hành trang là chiếc khèn, quả pao.

“Điểm hẹn” sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ hôm nay rộn rã hơn. Anh Vừ A Nông, xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ) cho biết, từ sáng sớm anh đã cùng gia đình vượt núi, xuống phố để mừng Tết Độc lập.

Chương trình văn nghệ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên thực hiện phục vụ bà con địa phương.

Chương trình văn nghệ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên thực hiện phục vụ bà con địa phương.

“Ngoài lên khu vực tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ để ngắm toàn cảnh thành phố, tôi còn tham gia trò chơi giã bánh dày và ném pa pao. Tôi tự hào và vui sướng khi năm nay được xuống phố mừng Tết Độc Lập”, anh Nông chia sẻ.

Còn chị Lò Thị Thơm, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) cũng không giấu được niềm phấn khởi. Hôm nay, chị cùng bạn bè, người thân trong bản về thành phố Điện Biên Phủ để tham gia trò chơi tung còn truyền thống của dân tộc Thái.

Chương trình văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao dân tộc được các địa phương đồng loạt tổ chức.

Chương trình văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao dân tộc được các địa phương đồng loạt tổ chức.

“Tết Độc lập là ngày đất nước trọn niềm vui, nên tôi cũng không muốn bỏ lỡ. Chỉ cần được xuống vui chơi thế này là phấn khởi lắm rồi. Năm nay tình hình dịch đã ổn định hơn nên bà con thoải mái hơn. Để bảo vệ bản thân thì chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau đeo khẩu trang”, chị Thơm cho hay.

Để tạo sân chơi cho bà con, sáng 2/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã tổ chức chương trình nghệ thuật, giao lưu thể thao (ném pa pao, giã bánh dày, tung còn, kéo co…) phục vụ bà con tại sân hành lễ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bà con tham gia trò chơi giã bánh dày truyền thống của đồng bào Mông.

Bà con tham gia trò chơi giã bánh dày truyền thống của đồng bào Mông.

Còn tại trung tâm xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần đầu tiên được tổ chức cũng thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham gia.

Tại đây, diễn ra nhiều hoạt động như: thi giã bánh dày; liên hoan nghệ thuật quần chúng; thi ẩm thực; trưng bày, giới thiệu văn hóa và sản phẩm địa phương; trưng bày và quảng bá du lịch địa phương và hoạt động văn hóa, thể thao trải nghiệm.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần đầu tiên được huyện Nậm Pồ tổ chức thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần đầu tiên được huyện Nậm Pồ tổ chức thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.

Đặc biệt, ngoài các nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã trên địa bàn, thì nhiều người dân, du khách được cùng tham gia trải nghiệm, để cảm nhận nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

Ông Giàng A Sử, người cao tuổi xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, chia sẻ: “Được tận mắt thấy các điệu múa truyền thống và nghe điệu khèn quen thuộc tôi vui mừng, hạnh phúc lắm. Nhất lại là diễn ra đúng dịp ngày Quốc khánh 2/9 thế này thì niềm vui càng nhân lên bội phần”.

Đây là dịp để bà con phô diễn các nét đẹp trong văn hóa cộng đồng dân tộc Mông bản địa.

Đây là dịp để bà con phô diễn các nét đẹp trong văn hóa cộng đồng dân tộc Mông bản địa.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ thông tin, thì địa phương có tới 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, người Mông chiếm đa phần đa. Do vậy, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và tham gia tích cực của đông đảo nhân dân.

Tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, từ hôm qua (1/9), Hội hái trám đen đã diễn ra sôi nổi tại các bản làng. Theo phong tục, dịp này hàng năm, bà con trong xã và một số khu vực lân cận của huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) cùng rủ nhau tham gia ngày hội.

Bà con người Thái tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông tham gia Hội hái trám.

Bà con người Thái tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông tham gia Hội hái trám.

“Trám đen là thứ quả gắn liền với văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái ở đây. Thời gian này cũng bắt đầu vào mùa trám. Vì thế nhiều năm nay bà con đã chọn ngày Quốc khánh để mở hội. Vừa mang ý nghĩa, lại vừa giữ gìn bản sắc văn hóa. Sau khi hái trám, chúng tôi sẽ về tổ chức chế biến món ăn truyền thống để cùng giao lưu, thưởng thức”, ông Lò Văn Ánh bộc bạch.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, thể thao dân tộc diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, thể thao dân tộc diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Dịp lễ 2/9 năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị và tổ chức chu đáo nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ tại thành phố Điện Biên Phủ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức ngày hội ở khắp các địa bàn. Thông qua đó nhằm bảo tồn giá trị truyền thống, gắn chặt thêm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc, giúp người dân ôn lại lịch sử hào hùng của đất nước, cùng nhau cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.