Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lớn nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào năm 1978. Kinh tế mở cửa đã giúp hàng triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói nhưng cũng tạo cơ hội cho nhiều quan chức lãnh đạo kiếm tiền bất chính thông qua các mối quan hệ chính trị.
Người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng được bắt đầu triển khai từ cuối năm 2012 là Vương Kỳ Sơn – một trong 7 nhân vật quyền lực của Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Vương Kỳ Sơn đã xử lý nhiều nhân vật sừng sỏ: Chu Vĩnh Khang (cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc), Từ Tài Hậu (một trong những vị tướng cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc) và Jiang Jiemin (Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương).
Bản thân việc giao trọng trách cho ông Vương – người được biết đến là một trong những lãnh đạo cấp cao làm việc hiệu quả nhất của Trung Quốc – cũng là một tín hiệu cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của ông Tập.
Do đó, cái nhìn sâu hơn về những gì ông Vương đang thực hiện sẽ thể hiện chiến dịch chống tham nhũng rộng đến đâu trong bối cảnh nỗ lực chống tham nhũng có nguy cơ làm tổn hại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kể từ khi chiến dịch được khởi động, khoảng 40 quan chức có chức vụ từ thứ trưởng trở lên đã bị bắt giữ để điều tra tham nhũng. Theo tính toán của một giáo sư luật đến từ ĐH Bắc Kinh, chỉ trong năm 2013, khoảng 182.000 đảng viên đã bị điều tra – cao gấp nhiều lần so với con số 10.000 – 20.000 ở thời điểm trước khi ông Tập nhậm chức. Khảo sát của Pew cũng cho thấy 53% người Trung Quốc coi tham nhũng là một vấn đề “rất lớn”, tăng mạnh so với tỷ lệ 39% của năm 2008.
Tuy nhiên, không phải tất cả trong số những người bị điều tra phải đối mặt với tội danh nghiêm trọng. Khoảng 25.000 người bị trừng phạt vì “lối sống phung phí” như sử dụng công quỹ để mua xe hơi xa xỉ hoặc tổ chức các buổi lễ quá lãng phí. Những người này chỉ bị cảnh cáo, khiển trách, giáng chức hoặc cách chức thay vì phạt tù.
Các cuộc điều tra tham nhũng khác ở Trung Quốc thường suy giảm sau khi một đến hai quan chức bị kỷ luật. Tuy nhiên, ông Vương yêu cầu các thanh tra ở địa phương báo cáo kết quả điều tra với văn phòng của ông Bắc Kinh cũng như với các cơ quan chức năng ở địa phương. Ông cũng thường dựa vào những phản ánh trên đường dây nóng để hoàn tất quá trình điều tra.
Vương Kỳ Sơn lập ra nhiều nhóm điều tra hoạt động ở nhiều vùng trên cả nước. Phần lớn các nhóm này được lãnh đạo bởi các quan chức đã về hưu hoặc các bộ trưởng – những người không có nhiều mối liên hệ với những nhân vật bị điều tra.
Ở Thượng Hải, nhóm điều tra thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trường Đại học Fudan danh giá. Họ lắp đặt các hộp thư quanh trường và nhận được gần 2.000 bức thư phản ánh chỉ trong 1 tháng. 3 tháng sau, ngôi trường này bị chỉ trích vì không giám sát chặt chẽ quỹ nghiên cứu và những bằng chứng tham nhũng đã xuất hiện.
Ở tỉnh miền núi Quý Châu, ông Vương chọn cách tiếp cận khác. Nhà tù thành phố Kaili giờ đây mở cửa đón các quan chức đến tham quan để họ gặp gỡ những người đã bị bắt giam vì tham nhũng.
Vương Kỳ Sơn cũng đẩy mạnh nỗ lực truy lùng những tài sản được giấu ở nước ngoài. Ông đã thành lập một phòng ban mới chuyên làm việc với các chính phủ nước ngoài.
Giới truyền thông Trung Quốc gọi Vương Kỳ Sơn là “người lính cứu hỏa” vì chuyên giải quyết những tình huống khẩn cấp. Thậm chí những người hâm mộ trên mạng xã hội so sánh với Bao Công – vị quan đã trở thành biểu tượng của công lý.
Cuối những năm 1990, ông Vương đảm nhiệm vai trò xử lý vụ vỡ nợ lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2003, được điều đến Bắc Kinh để ngăn chặn dịch SARS. Với vai trò thị trưởng Bắc Kinh, ông cũng đóng góp cho sự thành công của Olympic Bắc Kinh 2008.
Nhậm chức phó Thủ tướng phụ trách quan hệ kinh tế năm 2008, ông cam kết với Mỹ và châu Âu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua trái phiếu của họ trong bối cảnh thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính. Các quan chức Mỹ tin tưởng ông vì ông cũng là người đã thuyết phục các lãnh đạo cấp cao đưa ra chính sách thả nổi đồng nhân dân tệ.
Ngày nay, ông vẫn tiếp tục gặp mặt các quan chức kinh tế của Mỹ cũng như quốc tế. Được gọi là “cuộc gặp mặt của những người bạn cũ”, những người tham gia thảo luận về kinh tế toàn cầu.
Thỉnh thoảng ông Vương dành thời gian này để giải thích về chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc – điều khiến các quan chức Mỹ lo ngại có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nếu không được xử lý khéo léo.
Lu Ting - chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Bank of America – ước tính rằng cuộc chiến chống tham nhũng có thể khiến tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Trung Quốc giảm 0,6 đến 1,5 điểm phần trăm vì doanh số bán ra các sản phẩm xa xỉ hay căn hộ cao cấp sụt giảm.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng giải quyết vấn đề tham nhũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn bởi các nguồn vốn của chính phủ được sử dụng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, những người thân cận với ông Vương tin rằng mục tiêu của ông là đảm bảo các đảng viên “không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng”.