Người mới tập yoga hay mắc lỗi gì?

GD&TĐ - Yoga không chỉ giúp người tập khỏe khoắn, dẻo dai mà còn giúp mạnh mẽ về tinh thần, phòng ngừa bệnh tật…

Người mới tập yoga hay mắc lỗi gì?

Women practicing yoga in a class

Yoga không chỉ giúp người tập khỏe khoắn, dẻo dai mà còn giúp mạnh mẽ về tinh thần, phòng ngừa bệnh tật. Yoga tốt như vậy, nhưng tại sao số người theo đuổi môn thể dục này chưa nhiều? Theo huấn luyện viên Mina Ercel của hệ thống yoga The Art of Living (Ấn Độ), đó là do người mới tập thường mắc những lỗi sau

1. Cố cho bằng người bên cạnh

Một trong những lý do gây thương tổn nhiều nhất cho người tập yoga chính là cố làm giống giáo viên hoặc các bạn trong lớp. Chúng ta đều sở hữu những kiểu thân thể khác nhau với hình dạng, đặc điểm di truyền, tuổi tác, lịch sử chấn thương, bệnh tật, chế độ dinh dưỡng khác nhau. Người bạn trên tấm thảm trước mặt bạn có thể là một diễn viên ballet, là người đã tập yoga nhiều năm hoặc người có độ dẻo bẩm sinh.

Hãy tập trung vào khả năng của chính bạn và nghe ngóng cơ thể mình. Bởi nếu bạn so sánh và cố sức bắt cơ thể làm giống người khác, khi vượt khả năng chịu đựng của cơ thể, bạn sẽ lãnh hậu quả như đau, mệt, choáng thậm chí chấn thương, từ đó chán nản và bỏ cuộc.

2. Quên mình bao nhiêu tuổi

Nếu bạn buộc cơ thể mình phải làm được những điều như giống hai mươi năm trước đây, bốn năm trước đây hoặc thậm chí chỉ trong khóa học trước, bạn đang sai lầm nghiêm trọng. Khi sáu tuổi, bạn dễ dàng thực hiện những cú lăn lộn trên cỏ hoặc ngồi ở tư thế hoa sen trong một thời gian dài. Khi trẻ, bạn có thể ngồi suốt ngày ở bàn làm việc hoặc trải qua thai kỳ, sinh nở.

Thậm chí, bạn dễ dàng thực hiện một tư thế yoga khó trong buổi học cuối tuần trước, nhưng hôm nay là hôm nay, mọi thứ có thể khác xa, và bạn chỉ nên tập với tâm thế: “Tại thời điểm này, ở nơi này, tôi đang sở hữu hơi thở và cơ thể này”.

3. “Làm khó cơ thể”

Một sai lầm phổ biến của nhiều người khi bắt đầu yoga là nghĩ: “Mình đã tập gym/ aerobic/chơi tennis (hoặc một môn hoạt động thể chất nào đó) trong nhiều năm. Yoga sẽ không là vấn đề gì”. Mặc dù một số tư thế yoga trông có vẻ tương đối dễ dàng và đơn giản, nhưng để buộc cơ bắp làm việc hiệu quả, chuyên sâu, bạn phải tập trung ý thức và dồn sức để tập cẩn trọng. Người mới tập thường nôn nóng khi mới đầu đã đẩy bản thân tới độ khó cao để chứng minh mình có thể làm được, hậu quả là bạn sẽ bị đau nhức vào hôm sau. Tệ hơn, bạn đã đẩy một cơ thể chưa tương thích với mức độ tập tới tình trạng chấn thương.

maxresdefault

4. Không tập đều

Thông thường, một người tập thấy khỏe khoắn và sảng khoái khi cuốn tấm thảm của buổi tập yoga rồi hứng khởi nghĩ tới buổi học tiếp theo. Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta bị phân tâm bởi công việc, trách nhiệm gia đình, xã hội và tập yoga rơi xuống cuối danh sách việc phải làm.

Một vài ngày trôi qua, sau đó một vài tuần và cuối cùng khi trở lại lớp học, chúng ta lại phải bắt đầu từ đầu. Với người bắt đầu tập yoga, lý tưởng nhất là sắp xếp để tập hai hoặc ba lần một tuần.

5. “Mình không hợp với yoga”

Sau khi tập yoga một thời gian, thường là một vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí nhiều năm – chúng ta bắt đầu thất vọng về bản thân. Các câu hỏi bắt đầu đặt ra như “tại sao tôi không thể trồng chuối”, “tại sao tôi không thể chạm tay vào ngón chân?”. Cuối cùng, chúng ta rơi vào trạng thái nghi ngờ và bắt đầu ngẫm nghĩ: “Có lẽ yoga không hợp với mình”.

Tuy nhiên, vẻ đẹp và lợi ích của yoga là rất tinh tế và với nhiều cấp độ tác động khác nhau. Khi nghi ngờ về hiệu quả của yoga, hãy so sánh, liệu có sự khác nhau giữa trạng thái tâm trí bạn hiện tại so với trước đây không? Có phải thân thể bạn dẻo dai hơn và bớt stress khi đối mặt căng thẳng? Hãy nghĩ rằng yoga đã giúp bạn thư giãn và hít thở tốt hơn, bạn cũng ý thức hơn về cơ thể của mình và hài lòng với kết quả đó.

Theo Cuộc sống eva

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ