Người mẹ sáng chế khoa học từ khao khát chữa bệnh động kinh cho con

Con trai của Raji Borthakur (Ấn Độ) mắc bệnh động kinh ngay từ khi chào đời. Các thiết bị y tế hiện tại khiến việc chuẩn đoán bệnh mất một thời gian dài và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con trai cô.

Raji Borthakur - người sáng lập găng tay T Jay - Ảnh Internet
Raji Borthakur - người sáng lập găng tay T Jay - Ảnh Internet

Cậu bé Tejas - con trai Raji Borthakur (Ấn Độ) vốn mắc bệnh động kinh ngay từ khi chào đời và thường xuyên cần đến các dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp.

Phải mất nhiều tháng, bác sĩ mới có kết luận cuối cùng. Việc chuẩn đoán trễ khiến những cơn co giật ảnh hưởng đến sự phát triển của cậu. Tejas mất 9 tháng mới biết bò và 2 năm để đi được bước đầu tiên.

"Nếu phát hiện sớm, có lẽ tình trạng con tôi đã khá hơn", người mẹ ngậm ngùi nhớ lại.

Để chuẩn đoán cho căn bệnh này, bác sĩ cần dựa vào bài kiểm tra điện não đồ bằng cách đo xung điện, kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày tùy vào cơ sở vật chất của bệnh viện. Thế nhưng theo Borthakur, cách thức này có điểm giới hạn là bệnh nhân cảm thấy cơ thể rất bình thường trong lúc chuẩn đoán hoặc một thời gian dài sau đó, vì vậy rất khó để đi đến kết luận.

"Không ít người đang đối mặt với nguy cơ tử vong cao bởi họ không nhận thức được sự phức tạp của chứng rối loạn thần kinh, do đó sẽ không thể xử lý kịp thời", Borthakur lý giải.

Đó là động lực đưa cô đến với ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể theo dõi chỉ số liên tục và dự báo các cơn co giật sắp diễn ra, giúp chuẩn bị các biện pháp y tế kịp thời hơn.

Người phụ nữ Ấn Độ Raji Borthakur đã quyết định tạo nên một thiết bị giúp cô có thể thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của con trai Tejas. Đó là động lực khiến cô sáng tạo chiếc găng tay mang tên T Jay, theo tên thân mật của con trai cô.

Găng tay T Jay - Ảnh: Internet.
Găng tay T Jay - Ảnh: Internet.

Với sự quyết tâm và vì tình yêu thương con, tháng 3/2016, Borthakur thành lập nhóm nhỏ cùng hai cộng sự để nghiên cứu giải pháp.

Công ty TerraBlue ra đời từ đó với dự án khởi nghiệp là chiếc găng tay T Jay. Từ lúc chỉ có 3 thành viên, nay công ty đã phát triển lên đến 20 người. Dự án nhận hỗ trợ từ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ phần cứng, phần mềm, thần kinh học, chăm sóc sức khỏe...

Không chỉ dừng lại ở căn bệnh động kinh mà cô còn phát triển nghiên cứu để chuẩn đoán thêm các chứng rối loạn thần kinh khác như bệnh Parkinson, tâm thần phân liệt, rối loạn hai cực. Borthakur cùng cộng sự cũng tiến hành sản xuất thiết bị mang tên Xaant.

Khi đeo vào tay, sản phẩm sẽ giúp chuẩn đoán sức khỏe thể chất và tâm lý qua phân tích hô hấp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể khi di chuyển, nghỉ ngơi hay thậm chí lúc đang ngủ..., từ đó đánh giá trạng thái căng thẳng thần kinh và giúp tinh thần bình tĩnh trở lại.

"Chúng tôi tin rằng công nghệ ngày nay hứa hẹn khám phá các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn. Đó cũng là quyết tâm của tôi khi muốn nhiều người có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngay cả ở những vùng xa xôi nhất của Ấn Độ", nữ CEO khẳng định.

Dự án nhận lời khen ngợi từ Ivanka Trump, con gái và là cố vấn cho tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu năm 2017.

Công ty đang triển khai thử nghiệm găng tay chuẩn đoán bệnh tại bệnh viện Florence và Royal Melbourne, Australia, cũng như nhận lời mời hợp tác từ chính phủ Bỉ. Sản phẩm T Jay nhận 5 bằng sáng chế. Sản phẩm sẽ chính thức đưa ra thị trường vào cuối năm 2018.

Theo Thế giới trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.