(GD&TĐ) - Các mẹ, các dì mỗi người một hoàn cảnh, nỗi khổ riêng nhưng ở các mẹ có một điểm chung đó là sự đồng cảm, tình yêu thương con trẻ. Những người mẹ chưa một lần lấy chồng nhưng vẫn được gọi bằng tiếng mẹ nghe sao thân thương.
Đó là các mẹ, các dì ở làng trẻ em SOS Quy Nhơn đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti đem tình thương của mình chăm sóc, nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em vượt qua mọi nỗi đau, những mất mát trong cuộc sống.
Về làng trẻ em SOS Quy Nhơn vào những ngày đầu năm Nhâm Thìn, con đường đất đỏ dẫn vào làng vắng vẻ người qua lại, chỉ đến khi bước vào làng mới thấy không khí vui nhộn bởi tiếng trẻ thơ đang ê a tập đọc. Các em là những đứa trẻ có hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi cha, em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nghèo khổ nên mới phải nương tựa vào làng.
Bé Đoàn Thị Cúc được mẹ xuống thăm ôm mẹ nức nở khóc vì hạnh phúc |
Thành lập từ 1/6/2011, Làng trẻ em SOS Việt Nam đã chính thức đưa Làng trẻ em SOS Quy Nhơn đi vào hoạt động và bắt đầu tiếp nhận 31 trẻ đợt đầu tiên ở các địa phương trong tỉnh Bình Định về để nuôi, dạy. Đây là Làng trẻ em SOS thứ 14 trong cả nước được triển khai nhằm bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mồ côi, trẻ bơ vơ, bất hạnh trên địa bàn tỉnh. |
Ngôi nhà đặc biệt đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà số 11 với cái tên của một loài hoa (Hoa Tường Vi) mẹ Tám đang chuẩn bị bữa cơm chưa trưa cho các con mình, còn những đứa trẻ đang chăm chú ngồi học bài. Thấy có khách, chưa kịp hỏi thì giọng của những đứa trẻ cất lên nghe thật ấm lòng cháu chào cô chú ạ! còn mẹ Tám nhanh miệng nói các con lấy nước mời các cô chú, mẹ rửa tay vô liền.
Câu chuyện trần tình giữa tôi với mẹ Tám trong ngôi nhà đặc biệt bắt đầu như thế. Ban đầu mẹ Tám còn e ngại vì mặc cảm và nghĩ chưa làm được nhiều cho các con nên mẹ không muốn nói gì thêm, đến tên mẹ còn dấu. Trò chuyện hồi lâu rồi mẹ Tám cũng thổ lộ. Mẹ Tám tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tám quê Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định.
Không nói về quá khứ của mình mẹ Tám tâm sự: “Xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, đồng cảm với số phận của những bà mẹ sinh con ra mà không có điều kiện để chăm sóc buộc phải gửi con vào đây. Phải sống xa con họ cũng rất buồn, đau lòng vì thương, nhớ con nên mình cố gắng bù đắp cho các con”.
Nhà mẹ Tám hiện có 5 người con đứa nhỏ nhất hơn 2 tuổi, đứa lớn năm nay 11 tuổi. Nhưng đa số các cháu ở đây đều là con của những gia đình đặc biệt khó khăn, có cháu mồ côi cha hoặc mẹ, có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cháu còn cha me nhưng ốm đau không nuôi nỗi đành gửi con vào làng.
Bé Đoàn Thị Cúc (8 tuổi) quê ở huyện Vân Canh tâm sự: “Nhà cháu có 3 anh chị em nhưng bố cháu chết rồi, mẹ làm rãy không có thể nuôi 3 chị em nên phải gửi cháu vào đây. Phải xa mẹ cháu rất buồn nhưng khi về làng cháu được mẹ Tám thương, chăm sóc như mẹ đẻ. Giờ cháu cảm thấy vui vì có thêm bạn bè, được ăn uống sinh hoạt tốt hơn khi ở nhà”.
Còn hai anh em Chăm So Đức (11 tuổi) và Chăm So Nhựt (9 tuổi) quê ở Vân Canh. Do bố mất, mẹ thì ốm đau suốt nên hai anh em đành phải xa mẹ đẻ về làng để mong có một ngày mai tươi sáng hơn.
Những người mẹ ở đây cho biết, thường các cháu đang sống ở gia đình không được chăm sóc đầy đủ, quen với lối sống tự do. Vì vậy khi về đây phải mất cả tháng các cháu mới quen được sinh hoạt theo nền nếp.
“Lúc các cháu mơi về những thói quen như trước khi ăn cơm không rửa tay, đi ngủ không rửa chân tay, đến việc đi vệ sinh cũng không biết mún nào tất cả mình phải chỉ từng li, từng tí” mẹ Tám chia sẻ.
Ngôi nhà tiếp theo tôi ghé thăm là nhà 14 cũng với cái tên của một loài hoa rất đẹp (Hoa Cát Tường) mẹ của 7 đứa trẻ là chị Nguyễn Thị Kiều Dung.
Cũng suất phát từ tình yêu thương trẻ mẹ Dung đã quên đi thân phận, những mặc cảm chị tình nguyện xin về làng với mong muốn được chăm sóc, dạy dỗ các giúp các cháu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mặc dù trước khi về Làng các mẹ đã được đi Hà Nội học cách làm mẹ từ trên lý thuyết đến thực hành nhưng xem ra công việc của các mẹ cũng nhiều khó khăn.
Mẹ Kiều Dung đang dạy các con học bài |
Ví như trường hợp bé Vương 3 tuổi, người dân tộc Chăm khi mới đến, đêm nào cũng khóc, không chịu ngủ. Mà mẹ Dung nói gì Vương cũng không hiểu, bởi em không biết tiếng Kinh. Thế là mẹ Dung phải gọi điện cho mẹ ruột của Vương để hỏi những thói quen ăn ngủ của em, rồi lại học một số từ tiếng Chăm để nói chuyện với Vương. Và bây giờ, sau hơn 2 tháng về Làng SOS Quy Nhơn, Vương bám mẹ Dung lắm, lại còn biết vòng tay “ạ” người lớn khi mẹ bảo.
Niềm vui của trẻ dưới mái nhà mới |
Theo những người mẹ của làng SOS cho biết thì khó khăn lớn nhất việc chăm sóc trẻ em đồng bào, các em chưa quen với lối sống ở đây, bất đồng về ngôn ngữ đến những thói quen vệ sinh cũng không biết. Đặc biệt là những em còn nhỏ khi mới về làng đêm không chịu ngủ, khóc suốt.
Mặc dù khó khăn là thế nhưng các mẹ, dì ở đây đang cố gắng hết sức mình để vượt qua để chăm sóc cho các con mà không phải mình sinh ra từ miếng ăn, giấc ngủ và cả tình cảm. Điều đó xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ và tinh thần dũng cảm đối diện mặc cảm của các mẹ của Làng SOS.
Và chuyện những người mẹ làng trẻ em SOS Quy Nhơn được biết đến là những người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu bao dung dám vượt qua mặc cảm để đem tình thương đến với các em nhỏ nơi đây.
Thanh Xuân-Công Minh