Người mẹ hiền thứ hai của đời tôi

Người mẹ hiền thứ hai của đời tôi

(GD&TĐ) - Nhớ về cô là tôi nhớ dáng người cô, mái tóc quăn xõa mỗi khi đến lớp. Cô không phải là giáo viên chủ nhiệm của tôi, nhưng đối với tôi cô là người mẹ hiền thứ hai trong cuộc đời. Ngày ấy tôi còn là học sinh của mái trường THPT vùng cao Việt Bắc, Bắc Thái. Ngày đầu tiên bước vào mái trường cấp III, mọi thứ đối với tôi trở nên xa lạ, bỡ ngỡ. Tôi đã gặp cô. Cô là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, môn học mà đứa học trò nào lớp tôi cũng không thích, chán nản vì toàn là những con số và sự kiện. Suốt hai năm học lớp 10 và lớp 11, cả lớp học đa số điểm thấp bởi môn Lịch sử vì chúng bạn không ấn tượng với môn học này nên không học bài.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đến năm lớp 12 vẫn những trò đùa tinh nghịch ấy của lũ bạn, nhưng giáo viên bộ môn có sự thay đổi. Cô giáo dạy bộ môn Sử không phải cô giáo cũ nữa mà là cô giáo mới. Cô có khuôn mặt hiền từ luôn nở nụ cười trìu mến, giọng cô ấm áp truyền cảm đến lạ lùng. Đôi mắt cô thăm thẳm như chứa đựng đầy những tình thương bao la mà cô dành cho chúng tôi.

Rồi những tiết học Lịch sử của cô, chúng tôi không còn cảm thấy khô khan, ngáp ngủ như những năm học trước nữa mà trở nên sinh động hẳn lên bởi cô đã đem đến một luồng sinh khí mới, một phương pháp mới trong công tác giảng dạy. Tiết học nào, bài học nào cô cũng lồng ghép kể những câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử. Cô đã khơi dậy trong chúng tôi niềm tự hào dân tộc, về sự hy sinh của các thế hệ cha anh để cho đất nước được nở hoa độc lập, tự do. Từ đó tôi thấy mình sống phải đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Tôi còn nhớ rất rõ tiết học ngày ấy, cô giảng bài "Hoạt động cứu nước của Nguyễn ái Quốc". Cô đã đưa chúng tôi về tuổi thơ của Bác, hành trình tìm đường cứu nước gian lao của Bác qua những mẩu chuyện như Đôi bàn tay, Những viên gạch hồng và giọng cô xúc động nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt khi cô giảng sự kiện: Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản sơ thảo lần thứ nhất luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Người đã tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Sau này được Người ghi lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sung sướng biết bao! Tôi vui mừng phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Cả lớp lặng im như hòa vào nhịp xúc động của cô. Trống đánh ra về rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Hiếm có tiết học nào như thế. Kể từ tiết học hôm ấy, chúng tôi đứa nào cũng mong đến giờ học môn Lịch sử cho dù là tiết 5, tiết cuối cùng đứa nào cũng đói bụng và mệt lả.

Khi kể câu chuyện lịch sử chưa xong, câu kết bao giờ cô cũng khép lại “hồi sau sẽ rõ”, làm chúng tôi háo hức mong đợi như xem một bộ phim vậy, khiến những cái đầu cứng cổ của mấy cậu con trai quậy phá cũng phải thay đổi thái độ học tập của mình. Không chỉ là giáo viên bộ môn dạy nhiệt tình, tâm huyết, cô còn là người mẹ hiền thứ hai đời tôi. Cô rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Cô còn cho tôi nhiều món quà nữa như áo, quần, sách vở… Từ đó có chuyện gì vui hay buồn hai cô trò tâm sự và chia sẻ. Tấm lòng của cô như là nguồn động viên để chúng tôi “vượt lên chính mình” hòa nhập với cộng đồng.

Giờ đây tôi đã trở thành người thầy, đó là nhờ sự dạy bảo của cô. Đấy chính là những kỷ niệm của tuổi học trò, về cô, tôi không thể nào quên được. Trở lại mái trường xưa, ngôi trường cô đã từng dạy và tôi đang đứng trên bục giảng kế thừa sự nghiệp của cô để giảng bài cho các em. Hình bóng cô thấp thoáng đâu đây như ngày xưa đó. Giờ đây cô đã già, tôi ít gặp lại cô nhưng tôi luôn nhớ về cô và hình ảnh của cô mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi - Cô người mẹ hiền thứ hai trong đời tôi.

Mã số: 150

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ