Người mẹ hiền nơi xã đảo Thạnh An

GD&TĐ - Yêu nghề, mến trẻ, luôn hết lòng tận tụy với công việc, đó là những lời nhận xét của đồng nghiệp và phụ huynh khi nói về cô Quảng Thị Thúy Ngân (SN 1991), giáo viên Trường Mầm non Thạnh An, Cần Giờ, TPHCM.

Cô Quảng Thị Thúy Ngân - một giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ.
Cô Quảng Thị Thúy Ngân - một giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ.

Tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM). Ngay từ khi còn bé, cô luôn ước mơ trở thành giáo viên mầm non để được sát cánh cùng các em nhỏ. Và để hiện thực hóa ước mơ, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Ngân đã đăng ký thi và học hệ Trung cấp Mầm non của Đại học Sài Gòn. Năm 2012, ra trường cô giáo trẻ này đã trở về lại xã đảo nghèo của mình để công tác.

Suốt 10 năm qua, cứ mỗi buổi sáng sớm cô Ngân tới lớp với một tâm thế vui vẻ, hân hoan đầy nhiệt huyết và đón trẻ bằng tình yêu thương, gần gũi, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh yên tâm. Tiếp đó, cô thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng chế độ sinh hoạt một ngày đảm bảo. Để trẻ được trải nghiệm, khám phá cái mới, thích hoạt động sôi nổi, thích được chơi trò chơi tinh nghịch, cô lại tìm những bài giảng mới, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước hay các giáo viên trường bạn để áp dụng trong giờ dạy.

“Những ngày đầu khi mới về trường công tác, cô giáo trẻ như tôi không khỏi lúng túng trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Lớp có gần 20 trẻ nhỏ, nhiều em quấy khóc dỗ mãi không chịu nín khiến đôi lần cô cũng khóc theo vì bất lực. Thế nhưng dần dà, tôi cũng tìm ra cách dỗ trẻ hiệu quả. Cách dỗ trẻ mà tôi thường áp dụng đó là luôn nhẹ nhàng, âu yếm trẻ, luôn ngồi ngang tầm mắt và trò chuyện với các con. Từ đó, các con có ấn tượng tốt về cô, trẻ thấy yên tâm hơn khi ở bên cô giáo của mình”, cô Ngân chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của cô Ngân, năm 2016 trở về trước, trường mầm non ở xã đảo này ít đồ chơi, cô Ngân thường xuyên cùng với các giáo viên trong trường thiết kế nhiều sáng kiến dạy học phù hợp, giúp trẻ làm quen với môi trường xung quanh. Đơn cử như các cô đã sáng tạo ra nhiều bộ đồ chơi bằng nguyên liệu tái chế, phế liệu như vỏ lon, chai nhựa, giấy báo, lốp xe, bìa cát-tông... để tạo nên những món đồ chơi đẹp mắt, lại tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, vào những dịp đầu năm học mới, cô Ngân còn cùng với đồng nghiệp trang trí trong các góc nhóm của lớp rất đẹp mắt và luôn xây dựng được một môi trường học tập hấp dẫn, sáng tạo. Đặc biệt, người giáo viên này còn luôn tích cực cùng các giáo viên trong trường tổ chức cho trẻ tham dự những lễ hội như Giáng sinh, sinh nhật, để lại những ấn tượng khó quên đối với trẻ cũng như các bậc phụ huynh.

Theo như chia sẻ của cô Ngân, khi đã chọn được nghề nghiệp yêu thích, cô luôn cố gắng hết mình và dốc lòng yêu nghề, yêu con trẻ. Mỗi ngày, được gần gũi, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em nhỏ nơi xã đảo là động lực lớn nhất để người giáo viên này vượt qua mọi khó khăn.

Cô giáo Ngân trong một giờ dạy học cho trẻ.
Cô giáo Ngân trong một giờ dạy học cho trẻ.

Gương sáng nơi xã đảo

Xã đảo Thạnh An có địa hình biệt lập cách trung tâm huyện 7 km đường thủy. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Giao thông đi lại khó khăn nhưng từ khi ra trường, mặc dù có những cơ hội làm việc tại trung tâm TPHCM nhưng cô Ngân vẫn quyết tâm trở về công tác tại xã đảo. Năm 2013, để dạy dỗ các em tốt hơn, cô Ngân vừa làm vừa học và tốt nghiệp hệ Cử nhân Mầm non của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Suốt 10 năm gắn bó với Thạnh An, người giáo viên này chưa từng có ý định chuyển công tác, dù đã vài lần có cơ hội việc làm tốt hơn trong đất liền. Điều kiện sống ở xã đảo còn nhiều khó khăn, nhưng cô Ngân luôn tìm mọi cách để khắc phục, nỗ lực hết lòng vì trẻ nhỏ. Đối với nghề dạy trẻ, cô Ngân luôn tâm niệm rằng giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non đòi hỏi người giáo viên phải cần mẫn tỉ mỉ và hết lòng yêu thương trẻ.

Theo chia sẻ của cô Ngân, suốt bao nhiêu năm giảng dạy, kỷ niệm mà cô không thể nào quên đó là năm học 2013 - 2014, khi được phân công đến điểm lẻ ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An để dạy. Do Thiềng Liềng là một ấp nghèo nằm tách biệt với xã Thạnh An, xung quanh là sông nước, đi lại khó khăn. Thế nhưng đều đặn vào mỗi cuối tuần cô giáo trẻ lại sắp xếp đồ đạc lên Quận 5 (TPHCM) để học tập.

“Thật sự giai đoạn đó, mặc dù rất vất vả, nhưng sống và dạy học ở ấp Thiềng Liềng, phụ huynh rất thân thiện, học trò rất nghe lời và lễ phép. Nhiều hôm tôi còn được phụ huynh biếu gạo, rau, cá, tôm… bản thân cảm thấy xúc động lắm. Dù xa nhà nhưng nhìn các em hứng thú với việc đến trường mỗi ngày và đi học đều hơn, tôi rất phấn khởi, thêm yêu nghề, có nghị lực phấn đấu hơn trong công việc”, cô Ngân nhớ lại.

“Trong suốt thời gian gắn bó với nghề dạy trẻ ngay tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên, nhìn những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em, tôi dường như quên hết mọi âu lo trong cuộc sống. Thực sự nếu cho cơ hội lần hai tôi chọn nghề, tôi vẫn chọn nghề mầm non. Tôi muốn đóng góp và cống hiến hết mình cho người dân xã đảo này”, cô Ngân bộc bạch.

Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An, ở Thanh An giáo viên mầm non bên cạnh việc tận tâm, yêu nghề, yêu trẻ, thì việc khắc phục những khó khăn trở ngại trước mắt để tiếp tục gắn bó với nghề là điều rất quan trọng. Những điều này đồng nghiệp nhìn thấy ở cô giáo Ngân. Suốt những năm qua, Ngân luôn hòa đồng với đồng nghiệp, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ một số giáo viên mới ra trường.

“Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu về giảng dạy tại trường, Ngân luôn hăng say, nhiệt tình và hết lòng chăm sóc các em thơ. Lớp Ngân phụ trách luôn được phụ huynh học sinh tín nhiệm. Tại trường, Ngân luôn là người giáo viên gương mẫu tận tâm với nghề và nhiệt tình giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp, cô luôn được phụ huynh học sinh quý mến. Ngân thực sự là một tấm gương sáng cho các giáo viên trong trường học hỏi và noi theo”, cô Thắm cho hay.

Hết mình vì học sinh thân yêu, điều đó phần nào được chứng minh bằng những thành tích cô Ngân đã đạt được. Suốt nhiều năm qua, cô Ngân đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, xếp loại tay nghề đạt loại giỏi. Đặc biệt, năm 2016, cô Ngân vinh dự là một trong hơn 40 giáo viên trẻ được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ với thầy cô”, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ