Người mắc các bệnh về máu trong đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Các bệnh nhân cần có sự nhìn nhận, thái độ với cách sinh hoạt, chế độ ăn để nâng tinh thần, sức đề kháng. Đồng thời, cần chấp nhận giai đoạn khó khăn để có lối sống, thái độ tích cực.

Người mắc bệnh về máu nên được tư vấn trước khi tiêm vắc-xin.
Người mắc bệnh về máu nên được tư vấn trước khi tiêm vắc-xin.

Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn thế giới và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, đại dịch đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng đối với ngành y tế, đối với quá trình điều trị của người bệnh, trong đó có người bệnh ung thư máu.

Để đem đến những lời khuyên và giải đáp băn khoăn, lo lắng của người bệnh ung thư máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Điều trị ung thư máu trong dịch Covid-19” với sự tham dự của BSCKII. Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc. Đây là hoạt động thuộc phạm vi Đề án khám chữa bệnh từ xa năm 2021 của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã được Bộ Y tế phê duyệt.

"Chìa khoá" nâng cao tinh thần

BSCKII Võ Thị Thanh Bình - Trưởng khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chia sẻ, đối với các bệnh nhân, chế độ dinh dưỡng, tập thể dục, tinh thần tốt đóng một phần quan rọng trong quá trình điều trị. Trong đại dịch, căng thẳng ngày càng tăng với bệnh nhân mắc bệnh máu. Họ lo lắng có bị nhiễm bệnh không, có được điều trị không...? Do đó, sức đề kháng bệnh nhân càng giảm.

Thời điểm này, các bệnh nhân cần có sự nhìn nhận, thái độ với cách sinh hoạt, chế độ ăn để nâng tinh thần, sức đề kháng. Đồng thời, cần chấp nhận giai đoạn khó khăn để có lối sống, thái độ tích cực. Người bệnh cũng nên có hoạt động thể dục phù hợp với tình trạng bệnh và thể trạng.

BS Bình dẫn chứng, trong bệnh viện, một số bệnh nhân vẫn tích cực tập khí công... Chuyên gia này khuyến khích, bệnh nhân thay vì nằm bất động trên giường, có thể trở mình hoặc một số hoạt động khác. Bởi, tư thế nhỏ cũng giúp thể trạng tốt hơn. Về mặt khoa học, khi tập luyện, cơ thể sẽ tạo ra hoocmon khiến tinh thần thoải mái và tăng sức đề kháng.

Do đó, theo BS Bình, không chỉ trong giai đoạn điều trị ngoại trú, khi nhập viện, người bệnh cũng phải tìm cơ hội nâng đỡ cơ thể, đọc sách, nghe nhạc, xem phim và tập luyện.

"Ăn uống cũng là yếu tố quan trọng. Cần có chế độ ăn để tăng sức đề kháng cơ thể. Nếu lỡ mắc Covid-19, khi đó, bệnh nhân cũng có sức đề kháng khá hơn để chống đỡ lại. Bên cạnh điều trị thuốc, phần quan trọng dẫn đến thành công trong điều trị, đặc biệt với bệnh huyết học, là tuân thủ chế độ ăn, tập luyện hợp lý, giữ vững tinh thần tốt", BS Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ về bất cập khi nhiều bệnh nhân không thể đến bệnh viện điều trị do Covid-19, BS Bình cho biết, việc đánh giá điều trị hay không là do bác sĩ quyết định. Bởi, không phải cứ bệnh nhân ung thư máu là phải nhập viện. Thay vào đó, cần tuỳ theo giai đoạn, mức độ bệnh. Do đó, BS Bình khuyến cáo, các bệnh nhân cần có tương tác chặt chẽ hơn với bác sĩ để được tư vấn, tham khả othời điểm đến bệnh viện phù hợp. Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo người nhà và bệnh nhân ý thức, tự giác, tuân thủ phòng dịch khi đến viện. Nhờ đó, giúp các bệnh nhân cần đến viện sẽ luôn được điều trị kịp thời.

"Về lý thuyết, bệnh nhân mắc bệnh máu bị Covid-19, nếu đó là nhóm bệnh sức đề kháng giảm, cần lưu ý nâng đỡ sức đề kháng cho bệnh nhân, truyền bổ trợ những thuốc tăng cường miễn dịch", chuyên gia khuyến cáo.

Theo BS Bình, khi người bệnh về máu bị nhiễm Covid-19 thường có nguy cơ diễn biến xấu nhanh. Vì vậy, các bệnh nhân cần bảo vệ bản thân, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Vắc-xin phòng Covid-19 ở bệnh nhân máu

BSCKII Võ Thị Thanh Bình.
BSCKII Võ Thị Thanh Bình.

Với bệnh nhân mắc bệnh máu, nguy cơ nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn bình thường. Khi nhiễm bệnh nặng, tỷ lệ tử vong ở nhóm này cũng cao hơn người khoẻ mạnh. Do đó, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với bệnh nhân mắc bệnh nền, bệnh máu, tăng huyết áp, tim mạch... là vô cùng quan trọng.

"Khuyến cáo tiêm vắc-xin cho bệnh nhân huyết học phải dựa trên nước ngoài. Ở Mỹ, châu Âu có số lượng ca nhiễm nhiều. Việc nghiên cứu đưa ra dữ liệu về mặt lâm sàng rất quan trọng. Mục tiêu tiêm vắc-xin là giảm nguy cơ nhiễm Covid-19. Với chủng mới, người đã tiêm vẫn có thể nhiễm. Ý nghĩa quan trọng nhất của vắc-xin là giảm nguy cơ bệnh nặng. Do đó, những thông tin về có an toàn, hiệu quả khi tiêm vắc xin, với bệnh nhân máu, ung thư máu, thời điểm tiêm, tiêm loại gì... sẽ là vấn đề được bệnh nhân quan tâm", BS Bình cho biết.

Chuyên gia này dẫn chứng, các nghiên cứu cho thấy, vắc-xin phòng Covid-19 được FDA hoặc EMA thông qua như Astra, Pfizer, Moderna... đều có dữ liệu an toàn với người bình thường và bệnh nhân mắc bệnh máu. Trong điều kiện tiếp cận vắc-xin như hiện tại, bệnh nhân máu nên quyết định tiêm, tuỳ nhóm bệnh. Một số vắc-xin có thể gây tác dụng phụ nhỏ. Do đó, nhóm bệnh huyết học phải lưu ý.

"AstraZeneca có thể gây tác dụng phụ xuất huyết giảm tiểu cầu, huyết khối. Một số thể bệnh có thể bị ảnh hưởng khi tiêm. Khuyến cáo tiểu cầu trên 30 nên tiêm, sau đó theo dõi liên tục. Bệnh nhân có nguy cơ tăng đông, việc lựa chọn vắc-xin vẫn phải thận trọng. Nên được tiêm ở cơ sở y tế và theo dõi sau đó", nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người bệnh cần xác định xem tiêm vắc-xin có hiệu quả không. Đồng thời, cần có sự tư vấn của bác sĩ như: Tiêm loại nào, thời điểm nào nên tiêm. "Bệnh nhân máu không phải điều trị 1 đợt và tiêm vắc-xin là xong. Họ phải điều trị sau đó. Thời gian giữa tiêm và điều trị cũng phải cân nhắc. Mỗi thể bệnh sẽ khác nhau. Bệnh nhân ung thư máu được khuyến cáo sau khi điều trị hoá chất, bạch cầu trung bình tăng trên 0,5 nên tiêm. Có những bệnh nhân có thể sau 3 tuần, có bệnh nhân lâu hơn. Mốc thời gian là tương đối", BS Bình giải thích.

Trong khi đó, với bệnh ung thư hạch, thời điểm tiêm vắc-xin cũng vô cùng quan trọng. Với các vắc-xin thông thường, người bệnh có thể tiêm sau 6 tháng điều trị. Với vắc-xin phòng Covid-19, thời điểm tốt nhất là sau 6 tháng, nhưng cũng có thể là 4 - 5 tháng. Sau tiêm mũi 2, cần chờ ít nhất 2 tuần mới tiếp tục điều trị.

Với bệnh nhân được ghép tế bào gốc tự thân, có thể tiêm vắc-xin sau 3 - 6 tháng. Với bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loài, cần chờ 6 tháng trước khi tiêm. Lý do là vì hệ miễn dịch và khả năng hồi phục ở mỗi bệnh nhân là khác nhau.

Ngoài ra, những bệnh nhân đau tuỷ xương, phải dùng thuốc hoá chất, cũng cần cân nhắc việc tiêm vắc-xin. Nếu các bệnh nhân ổn định, điều trị không ảnh hưởng sinh kháng thể, có thể được tiêm vắc-xin luôn.

"Khả năng sinh kháng thể ở bệnh nhân máu giảm. Vắc-xin ở bệnh nhân mắc bệnh máu, không phải cứ tiêm xong là có thể sinh kháng thể. Khả năng sinh kháng thể ở những bệnh nhân này sẽ kém hơn bình thường", BS Bình nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.