Đi làm mùng 1 tết
Theo tìm hiểu, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo số 1125/TB-UBND về việc nghỉ Tết Âm lịch năm 2024.
Căn cứ thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND thành phố Hà Nội thông báo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gồm 7 ngày liên tục (từ ngày 8/2 đến hết ngày 14/2; tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Tuy nhiên, phản ánh tới GD&TĐ, một số người lao động đang công tác tại Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai thuộc Công ty nước sạch Hà Nội bức xúc về việc đơn vị vẫn phân công người lao động phải đi ghi chỉ số công tơ nước trên địa bàn vào đúng ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Việc này không được sự đồng ý tự nguyện của người lao động bởi lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch đến Tết của người lao động và gia đình…
Theo phản ánh, ngày 4/1/2024 Phòng Hợp tác phát triển của Công ty nước sạch Hà Nội đã có tờ trình gửi ông Trần Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội về phương án ghi chỉ số đồng hồ vào tháng 2/2024 (Tết âm lịch 2024).
Tại tờ trình này, Phòng Hợp tác phát triển đã căn cứ theo đề xuất của các đơn vị, chu kỳ thay đổi lịch ghi đọc không thống nhất về thời gian dịch chuyển các đợt đọc như: đơn vị Cầu Giấy, Hai Bà Trưng dịch chuyển 2 ngày, đơn vị Hoàng Mai dịch chuyển 7 ngày.
Về mặt kỹ thuật, tư vấn không thể đáp ứng việc hỗ trợ nhiều hình thức nội suy vì có thể dẫn đến sai lệch số liệu, khó kiểm soát, chậm tiến độ và có thể xảy ra thắc mắc từ khách hàng.
Vì vậy, Phòng Hợp tác phát triển giữ nguyên lịch ghi công tơ hàng tháng như chỉ đạo của tổng giám đốc trong tờ trình của phòng hợp tác phát triển được phê duyệt 19/12/2023 với nội dung: “Về nguyên tắc ghi đọc, phát sinh hoá đơn dùng chu kỳ hàng tháng, không để phát sinh hệ luỵ giải thích khi không có bất khả kháng”.
Cũng tại tờ trình này, Phòng Hợp tác phát triển ghi rõ giờ ghi chỉ số công tơ với các thời gian từ 8h đến 12h trưa, từ 12h trưa đến 17h và sau 17h bắt đầu ghi từ ngày 29 tháng chạp âm lịch đến hết ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Từ đó, các đơn vị chủ động phân công nhân viên ghi chỉ số, tính phát hành hoá đơn và ký số.
Chị N.T.L, người lao động tại Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai bức xúc cho biết: “Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn được áp dụng trên cả nước đối với tất cả cán bộ công nhân viên chức, người lao động bởi đây là truyền thống cũng là nét văn hoá của người Việt Nam. Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai nói riêng và Công ty nước sạch Hà Nội yêu cầu người lao động phải đi đo chỉ số công tơ đồng hồ nước vào ngày Tết có dấu hiệu trái quy định, đi ngược lại văn hoá của người Việt Nam.
Bởi việc ghi chỉ số công tơ đồng hồ có thể thực hiện trước ngày nghỉ tết 5 đến 7 ngày vẫn đảm bảo được luỹ kế, số liệu và quan trọng hơn là tạo được sự đồng thuận của người lao động. Vì vậy chúng tôi đề nghị Thành uỷ, UBND TP Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo Công ty nước sạch Hà Nội có phương án phù hợp để mọi người lao động đón Tết”.
Tết Âm lịch Giáp Thìn người lao động được nghỉ liên tiếp 7 ngày. |
Khó bố trí người thay thế
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với GD&TĐ, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch quận Hoàng Mai cho biết, việc thực hiện ghi chỉ số công tơ đồng hồ nước ,là nhiệm vụ chính trị của thành phố bởi đơn vị thuộc công ty Nhà nước nên phải đảm bảo việc cung ứng nước sạch cho người dân Thủ đô vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo ông Tuấn, cung ứng điện, nước hay dọn vệ sinh tại Hà Nội vẫn phải triển khai thực hiện đồng bộ, bởi đây là nhiệm vụ chính trị được cả thành phố quan tâm, nếu không ghi chỉ số công tơ đúng ngày thì khách hàng lại khiếu nại kiến nghị sẽ rất khó giải quyết.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc người lao động nào không đồng ý thì có được nghỉ và phía công ty có bố trí người thay thế không? Phó Giám đốc Xí nghiệp nước sạch Hoàng Mai cho rằng, mỗi công nhân ghi công tơ đều phụ trách một điạ bàn với rất nhiều hộ dân, nếu thay đổi người làm sẽ rất khó sắp xếp, nên việc này gần như là rất “khó”.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Quốc Toản, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Quốc Toản thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Theo quy định của pháp luật cần phải có sự hài hoà giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động".