Lễ Khai Ấn đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Nam Định và phía Bắc. Cứ vào tối ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hằng năm, hàng vạn người từ khắp nơi đổ về đền Trần dự lễ Khai Ấn để cầu may mắn, tài lộc.
Những năm trước, lượng người đổ về đền Trần đông nên các dịch vụ cũng "mọc" lên như nấm từ, như: Xe ôm, trông giữ xe, quán ăn, quán nước, đồ lễ, cây cảnh, khung treo ấn đền Trần, đồ cổ… Mùa lễ hội đến là dịp những người kinh doanh hàng quán thời vụ này "hốt bạc" vì lượng khách vừa đông, giá cả lại cao hơn.
Nhiều lao động tự do, cũng tranh thủ dịp này đến mở quán nước, trông xe hoặc chạy xe ôm từ những ngày đầu năm cho đến hết lễ hội Khai ấn cũng kiếm được một món tiền kha khá..
Theo bà Lan, một người có nhà gần khu vực đền Trần, mùa lễ hội đến gia đình bà mở thêm quán nước kết hợp làm quán ăn như mì tôm, trứng luộc, phở gói... Mỗi bát phở có giá 20.000 - 30.000 đồng. Cứ tầm chiều ngày 14, rạng sáng ngày 15 âm lịch, khách ngồi kín chỗ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay UBND thành phố Nam Định đã thông báo dừng tổ chức lễ khai ấn đền Trần năm 2021, chính vì vậy số lượng người đến đền Trần năm nay thưa thớt hẳn.
Nhiều người dân khẳng định, phải rất nhiều năm nay, mới thấy đền Trần vắng vẻ như năm nay.
Việc người dân, du khách thập phương đến đền Trần ít đi cũng ảnh hưởng nặng nề đến những người lao động, kinh doanh dịch vụ, hàng quán ở khu vực đền Trần - chùa Tháp.
Anh Tùng, một người mở quán nước, cho hay: "Năm 2020 không tổ chức lễ Khai ấn nhưng vẫn còn có nhiều người đến. Năm nay, số lượng đó thì không bằng 1/5 của năm 2020. Bằng giờ ngày 15 hàng năm, quán nước của tôi chật kín người, nhưng từ sáng đến giờ được đúng 2 khách vào".
Ngay gần cổng chính vào đền Trần, rất nhiều người bán đồ lễ cũng ngồi tán gẫu với nhau vì không có khách. Khi có 1 người khách vừa bước vào, tất cả người bán hàng đều chào mời rất nhiệt tình.
Những người bán đồ lễ cho biết, như mọi năm, có những người mua đồ lễ hết vài trăm nghìn một mâm, thì năm nay đa số chỉ mua vàng với hương rồi vào đền. Hoặc ai đi lễ nhiều thì họ tự chuẩn bị đồ mang từ nhà.
Những năm trước, dịch vụ xe ôm cũng được xem là nghề "ăn nên làm ra" của những người lao động tự do khi đền Trần khai hội. Việc đền Trần đông khách, để hạn chế tình trạng tắc đường, đường Trần Thừa trước đền Trần - chùa Tháp được chặn lại, chỉ cho xe máy và người đi bộ vào trong. Nhưng năm nay, đường không chặn, khách không có, đội ngũ lái xe ôm cũng thất thu, chẳng buồn làm.