(GD&TD) - Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nguyên tắc và giải pháp tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án đường 5 kéo dài ở Hà Nội chậm tiến độ khiến dư luận bức xúc (ảnh MH) |
Theo đó, Thủ tướng khẳng định sẽ từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công. Tăng cường các biện pháp huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thu hồi vốn.
Thủ tướng yêu cầu trong khi chưa sửa đổi phân cấp quản lý đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ đúng quy chế hiện hành về quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư (kể cả dự án mới và dự án điều chỉnh quyết định đầu tư). Đồng thời, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Với những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn thuộc ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ, làm cho dự án thi công phải kéo dài, gây lãng phí thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do việc kéo dài này gây ra. Từ năm 2012, tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thủ tướng cũng nêu rõ kế hoạch bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2012 theo thứ tự ưu tiên như sau: tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến cần phải hoàn thành năm 2012; số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án đang thực hiện hoặc dự án mới nhưng phải hạn chế tối đa. Dự án mới phải là dự án thực sự cấp bách, có quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán được duyệt trước ngày 25-10-2011.
Đối với các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước nhưng không bố trí được vốn kế hoạch năm 2012 sẽ phân làm 2 nhóm:
Thứ nhất, nhóm các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác (như BOT, BT, PPP...).
Thứ hai, nhóm các dự án không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác thì các bộ, ngành, địa phương chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Trường hợp không có nguồn vốn hợp pháp khác phải tạm dừng.
Hải Minh