Người họa sĩ dành nửa cuộc đời vẽ tranh từ ký ức của người khác

Có lẽ người dân trên đường Điện Biên Phủ (Quận 3, TPHCM) đều rất quen thuộc với hình ảnh người họa sĩ mộc mạc, giản dị, diện quần tây, áo sơ mi sờn cũ, ngồi khiêm tốn tại một góc nhỏ chưa đầy 2 mét vuông. Người họa sĩ đó là Từ Hoa Lợi, ông đã vẽ rất nhiều tranh-từ-ký-ức của người khác.

Người đi đường không ít lần dừng chân trước tiệm tranh để xem ông vẽ.
Người đi đường không ít lần dừng chân trước tiệm tranh để xem ông vẽ.

Với dáng người nhanh nhẹn, đôi tay thoăn thoắt, giọng nói sang sảng, ứng xử nhanh nhạy, không ai nghĩ rằng ông Từ Hoa Lợi năm nay đã gần 80 tuổi. 

Ông sinh ra ở phố Khâm Thiên (Hà Nội). Ông từng tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1959, vì yêu tranh mà chàng thanh niên thông thạo 3 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung Quốc) đã từ bỏ những công việc với mức lương cao ngất để xin về Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương Hà Nội, âm thầm vẽ chân dung nghệ sĩ, trang trí sân khấu, sáng tạo phục trang. 

Khi đó để có một bước ảnh giới thiệu to như những ca sĩ bây giờ thì rất đắt, thế nên ông miệt mài vẽ chân dung nghệ sĩ để đặt ngoài rạp mỗi khi đoàn có tổ chức nghệ thuật.

Năm 1982, ông rời đoàn xiếc vào TPHCM, đối với ông nơi đâu cũng là nhà, ở đâu ông cũng có thể vẽ, vẽ không ngừng nghỉ, vẽ là một phần máu thịt của ông. Ông không ngại xa quê, nhưng xa đoàn nghệ thuật là điều ông tiếc nuối.

"Anh em trong đoàn yêu thương nhau như gia đình, ai cũng động viên nhau hoạt động vì nghệ thuật, vì đất nước".

Người họa sĩ dành nửa cuộc đời vẽ tranh từ ký ức của người khác ảnh 1
Họa sĩ Từ Hoa Lợi vốn chưa bao giờ bị phân tâm bởi dòng người nhộn nhịp trên đường Điện Biên Phủ.

Tiệm tranh của ông trong 24 năm qua chưa từng nghỉ ngày nào, 8h sáng ông mở cửa, và kết thúc đúng 5h chiều. Tàn thuốc chỉ để phục vụ cho vẽ tranh, chứ ông không hút dù chỉ một điếu. 

Với ông ngoài sự tận tụy, sự đam mê, thì uy tín là điều không thể thiếu, đó là thước đo sự tử tế trong mỗi công việc, 50 năm qua, không bao giờ ông trễ hẹn với khách.

Nếu như vắng mặt trong vài phút, ông Từ Hoa Lợi sẽ đặt bảng có chữ "ra liền", còn đi lâu thì ông dùng bảng trên, thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp với khách hàng.

Người họa sĩ yêu tranh hơn... yêu vợ

Nói về vẽ tranh truyền thần, ông vui đến lạ, vui như chính ông đã tìm lại được một phần của cuộc đời mình. “Tôi thích vẽ người từ lúc tôi 6 tuổi, lúc đó tôi đã vẽ đẹp rồi đấy. Khi còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết vẻ đẹp của tâm hồn, tôi chỉ vẽ theo kiểu ký họa, nhưng tôi vẽ hoài, càng vẽ càng thích và tôi chẳng màng đến điều gì xung quanh”

Khi được hỏi ông vẽ hoài như thế, không để ý đến ai sao ông có vợ được, ông mỉm cười: “Bà ấy tán tỉnh tôi đấy chứ, đến 3 năm tôi mới “chịu” đấy, nhưng tôi vẫn nói trước, tôi yêu tranh hơn yêu vợ, tranh là cuộc sống của tôi, nếu bà ấy chịu thì tôi cưới, không thì tôi ở vậy với tranh, vậy mà tôi đã có 3 đứa con giỏi lắm đấy”.

Song giọng ông chùng xuống: “Bà ấy là Tạ Thị Kim Dung, diễn viên trong đoàn nghệ thuật với tôi, đẹp, giỏi, có tiếng. Bà ấy hiểu tôi hơn tôi hiểu tranh của mình, từ khi bà ấy mất, tôi dồn hết thời gian cho tranh vẽ, thế nhưng vẫn không thể quên bà ấy được”.

Nhìn vào dụng cụ vẽ tranh của họa sĩ Từ Hoa Lợi, chắc chắn ai cũng sẽ ngạc nhiên và thích thú, ông yêu nghệ thuật, yêu cả những giá trị nghệ thuật, ông cho biết: 

Đây không phải là cây thông thường, đây là tre Việt Nam đấy, tre Việt Nam ngày xưa giúp dân đánh giặc, bây giờ giúp tôi vẽ lên tâm hồn nhân dân. Tôi ít khi dùng bút chì, tôi chế ra những thanh tre này để chấm bột và vẽ, nhờ vậy nét vẽ có thần hơn và tranh giữ được lâu hơn”.

"Nghề nào cũng phải có sự sáng tạo của riêng mình, với tôi dụng cụ tốt nhất là thanh tre, vì nó mang đậm tính nhân văn, và đường nét tạo ra rất chuẩn".

Vẽ chân dung người đã khuất từ ký ức người còn sống

Đối với Từ Hoa Lợi, vẽ tranh không đơn thuần là dùng viết vẽ lên một tờ giấy, mà là vẽ cả một tâm hồn lớn. Nhờ vẽ truyền thần, ông có thể hiểu được tâm hồn của nhân vật, hiểu được giá trị tinh thần của người đặt vẽ. 

Với ông, ai cũng đẹp, vì đơn giản họ có một tâm hồn đẹp, một giá trị rất lớn với người thân của mình. Thế nên hơn 20 năm qua, ông chưa từng từ chối một ai khi đến gặp và cần ông vẽ giúp.

Có lần ông nhận vẽ một bức hình mà không có ảnh, người nhờ ông vẽ là một cụ ông 90 tuổi, nhờ ông vẽ người cha của mình. Ông không nỡ từ chối tấm chân tình cũng như sự hy vọng mà ông cụ đặt cả vào ông. 

Lúc này, mặc dù bối rối nhưng Từ Hoa Lợi nghĩ ra một cách là gọi 12 người con cháu của ông cụ lại để cụ chọn ra những người có đặt điểm giống nhất với người quá cố, sau đó ngồi nghe ông cụ kể lại thần thái cũng như tính cách nhân vật. Từ đó, họa sĩ Từ Hoa Lợi ngồi phác thảo bức ảnh và rồi chăm chú vẽ.

Vì những nét vẽ ngoài biểu hiện nội tâm, cần phải chính xác và thật nhất nên họa sĩ thường xuyên dùng kính lúp để quan sát đôi mắt và môi nhân vật thật kỹ.

“Khi tôi hoàn thành bức vẽ đó và trao cho ông cụ, ông ôm bức ảnh vào lòng, bật khóc như đứa trẻ lâu ngày gặp lại cha của mình, rồi luôn miệng cảm ơn tôi. Tự nhiên, nước mắt tôi tuôn trào, tôi không nghĩ cái nghề nhỏ này lại mang về một giá trị tinh thần lớn như thế. 

Tôi càng quyết tâm hơn để phát huy hết khả năng của mình vì đối với tôi đó là một nghề, một đam mê, nhưng với khách hàng đó là cơ hội để họ tìm lại một ký ức, một hy vọng mang giá trị thiêng liêng của riêng họ” - Ông kể lại.

“Họa sẽ trẻ ngày nay họ vẽ ký họa, chứ không phải truyền thần”

Khi thắc mắc vì sao người ta gọi là truyền thần chứ không phải ký họa, họa sĩ Từ Hoa Lợi giải thích: “Vẽ truyền thần thì khi vẽ đôi mắt và miệng là phải tập trung nhất, vì 2 bộ phận này toát lên thần thái nhân vật, ngoài ra những đường nét khác trên mặt cần phải quan sát thật kỹ mới nói lên được tính cách. 

Người vẽ truyền thần lâu năm khi nhìn vào gương mặt nhân vật sẽ hiểu về nội tâm, tính cách của người đó. Khi vẽ sẽ như đang trò chuyện với nhân vật thì mới gọi là truyền thần. 

Như cô này cặp mắt sáng, sống mũi thon, miệng không quá rộng cũng không quá hẹp, hai má nhô vừa, dáng ngồi khiêm tốn, chứng tỏ cô ấy là người nhân hậu, luôn vui vẻ với mọi người và luôn nghĩ cho người khác.

Tôi đã xem nhiều bài báo, nhiều họa sĩ trẻ đến nhờ tôi góp ý thì hầu hết, có thể là người nhờ đặt vẽ lầm tưởng nên cho rằng họ đang đặt một bức vẽ truyền thần, nhưng thực chất họ vẽ ký họa, đó là những bản vẽ giống nhân vật nhưng không toát lên được thần thái của nhân vật”.
Trong 8 mẫu vẽ tại tiệm thì 2 tác phẩm trên cùng là ông yêu thích nhất, đó là 2 vĩ nhân Hãi Thượng Lãn Ông (danh y Lê Hữu Trác) và ông Tề Bạch Thạch (một họa sĩ Trung Quốc).

Biết được cái đẹp do vẽ tranh truyền thần mang lại, ông không từ chối khi các họa sĩ khác nhờ góp ý tranh vẽ, cũng như sẵn sàng truyền nghề nếu họ đề nghị. 

Nhưng nhiều lần ông mang hết khả năng của mình để truyền lại cho “đệ tử”, nhưng theo ông chỉ có 3 người trong số đó và 1 người con trai của ông là kế thừa được nét vẽ truyền thần.

 Một người mở phòng vẽ hẳn hoi, thế nhưng chỉ được 5 năm thì cả 4 người đều xin lỗi ông để bước qua một nghề mới, không phải vì cơm áo gạo tiền mà vì họ không đủ kiên nhẫn.

Nét bút, nét người với họ dường như mất quá nhiều thời gian, công sức nên tất cả đều bỏ ngang. Ông chưa từng trách họ, chưa từng thấy uổng phí cái công đào tạo dành cho họ.

Bởi với ông, vẽ tranh truyền thần phải là sự tự nguyện, sự yêu thích và cả một khát vọng cháy bỏng, phải xem đó là cuộc sống của mình thì mới vẽ lên được cái thần của nhân vật, nếu bắt ép, sẽ phá hỏng tính nhân văn của nghệ thuật một cách thô lỗ. 

Ông nhìn xa xăm trên con đường nhộn nhịp người qua lại:“Tôi vẫn đang chờ một truyền nhân của mình, tôi tin rồi người đó sẽ giúp tôi giữ lại những tâm huyết, những đam mê cũng như tấm lòng đối với nghề vẽ tranh truyền thần”.

Theo kenh14.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.