Theo dự đoán của các chuyên gia ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), chuyến bay có phi hành đoàn lên sao Hỏa không bắt đầu trước năm 2043. Tuy nhiên, NASA ngay từ bây giờ đã cố gắng tạo hồ sơ tâm lý các phi hành gia - những người sẽ tham gia vào chuyến du hành vũ trụ dài ngày.
Giáo sư Jeffrey Johnson - nhà tâm lý học và nhân loại học ở ĐH bang Florida (Mỹ) đã phân tích diễn biến các chuyến thám hiểm ở Nam cực và Bắc cực trong khoảng chục năm trở lại đây.
Trên cơ sở đó, ông đi đến kết luận rằng yếu tố thiết thực trong các chuyến thám hiểm là các vai trò không chính thức, xuất hiện trong nhóm khi bị cách ly với thế giới bên ngoài một thời gian dài. Ông phân tích diễn biến các chuyến thám hiểm của các đoàn Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ba Lan và Ấn Độ.
Ông đặc biệt chú ý đến vai trò của tính hài hước trong phát triển sự gắn kết các thành viên trong nhóm thám hiểm, không phụ thuộc vào quốc tịch của họ.
Hợp tác với NASA, Giáo sư Jeffrey Johnson cung cấp các kết quả nghiên cứu, được ứng dụng đối với trường hợp một nhóm gồm 8 phi hành gia trong phòng mô phỏng các điều kiện sống trên sao Hỏa, trong thời gian từ 1 - 2 tháng.
“Ý tưởng là tìm hiểu xem cách mọi người hành xử trong những điều kiện khó khăn, khi mà họ bị thiếu ngủ, không có liên lạc với người thân, khi mà phải chờ đợi đến 40 phút để có được câu trả lời cho câu hỏi đơn giản nhất.
Sứ mệnh lên sao Hỏa cũng sẽ trở nên rất khó khăn dưới góc độ tâm lý cũng như thể lực. Cần phải mất 9 tháng để lên được sao Hỏa, cần ít nhất 1 năm ở trên hành tinh và 9 tháng tiếp theo cho chặng đường quay về Trái đất.
Tổng cộng là gần 3 năm phi hành gia phải sống xa Trái đất. Các phi hành gia sẽ cảm thấy nhớ nhà, nhớ cuộc sống trước đó, sẽ gặp nguy cơ phơi nhiễm bức xạ vũ trụ. Tất cả cộng lại sẽ ảnh hưởng đến các chức năng xúc cảm của họ” - Giáo sư Johnson giải thích.
Nhiều yếu tố có thể là nguồn gốc gây ra căng thẳng. Trong những điều kiện ấy, cần phải có ai đó có khả năng xoa dịu, làm giảm căng thẳng.
Theo Giáo sư Johnson, khả năng pha trò chưa phải là yếu tố đủ để được chọn vào phi hành đoàn sao Hỏa. Ngoài kỹ năng gây cười, ứng viên tốt cho phi hành đoàn phải có nhiều kiến thức xã hội, dễ giao tiếp với mọi người, biết khi nào có thể pha trò, đùa vui, biết cách làm giảm căng thẳng.
Bên cạnh đó, còn những đặc tính quan trọng khác, rất cần thiết cho chuyến bay dài ngày, đó là: Biết lãnh đạo, biết hòa giải và dàn xếp.
Một số người biết cách sử dụng thời gian, học những kỹ năng cần thiết, chẳng hạn như ngoại ngữ, vào lúc rảnh rỗi. Những người này biết cách chế ngự nỗi buồn và khuyến khích người khác có hành vi có lợi cho phi hành đoàn.
“Những vai trò như vậy trong nhóm là không chính thức, tuy nhiên có ý nghĩa lớn đối với thành công của sứ mệnh dài ngày trong các điều kiện cực đoan” – Giáo sư Johnson cho biết.