Chúng tôi đến huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tìm về gia đình ông Nguyễn Đình Tính ở thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ để lắng nghe câu chuyện về người đàn ông từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rèn luyện chữ viết thời đi học.
Trong căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian, nhấp chén trà nóng, ông Tính chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian được ăn, ở cùng Tổng Bí thư.
Năm 1965-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang rất ác liệt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).
Lúc đấy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là sinh viên khoa Ngữ Văn khoá 8 của nhà trường, sơ tán tại thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ.
Ánh mắt đượm buồn, ông Tính tiếp tục câu chuyện, năm đó, Tổng Bí thư cùng 3 bạn sinh viên được bố trí ở tại nhà cụ Nguyễn Đình Thoa là bố đẻ ông Tính.
Ông Tính kém Tổng Bí thư "1 giáp" và được Tổng Bí thư coi như người em trong nhà.
Những năm tháng sống và học tập tại vùng đất Vạn Thọ, ngoài việc học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến thực tiễn cuộc sống của địa phương và việc học của các em trong nhà.
Chính vì vậy mà ông Tính may mắn được Tổng Bí thư rèn giũa, dạy bảo cả trong học tập và đạo đức làm người.
Sau 2 năm được "Anh" rèn luyện, nét chữ tôi rất đẹp, tính cách cũng trở nên điềm đạm, bình tĩnh và cần mẫn, kể cả trong cuộc sống lẫn công việc.
"Đó là những đức tính mà tôi đã học được từ Anh và nó theo tôi suốt cả cuộc đời.
Nghe tin Tổng Bí thư mất, chúng tôi đau xót vô cùng, cảm giác như mất đi người thân trong gia đình vậy", ông Tính nghẹn nghèo nói.
Dù thời gian gắn bó không dài nhưng hình ảnh về cậu sinh viên với vóc dáng nhỏ nhắn, phong cách gần gũi, giản dị vẫn còn đọng mãi trong lòng ông Tính và người dân nơi đây.