Nghị sĩ cánh tả Đức Sevim Dagdelen mới đây đã đề xuất Đức nên ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao do Ukraine từ chối vận chuyển khí đốt của Nga sang các nước EU. Theo bà, Berlin có thể làm điều đó dễ dàng bằng cách sửa chữa và tái kích hoạt đường ống Nord Stream.
"Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa bằng cách ngăn chặn việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Chính phủ Đức và EU đang vui vẻ chứng kiến ngành công nghiệp châu Âu bị phá hủy do giá năng lượng cao" - nghị sĩ Dagdelen nói.
Bà Dagdelen kêu gọi các đường ống “cuối cùng được đưa vào hoạt động” và chính phủ Đức nên “ngừng cung cấp tiền cho Kiev!”
Dagdelen là thành viên của Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW), một phe phái chính trị cánh tả ủng hộ việc xích lại gần với Nga và chia sẻ lập trường chống nhập cư của đảng cánh hữu Alternative for Germany (AfD).
Lãnh đạo đảng, Sahra Wagenknecht, gần đây đổ lỗi cho cuộc xung đột ở Ukraine là do Mỹ không thừa nhận "ranh giới đỏ" của Nga.
Vào tháng 9, bà Wagenknecht tuyên bố rằng “nếu Ukraine chịu trách nhiệm về hành động khủng bố chống lại nguồn cung cấp năng lượng của Đức, việc cung cấp vũ khí phải chấm dứt ngay lập tức và vấn đề bồi thường phải được đưa ra thảo luận”.
Bà Dagdelen không phải là đại biểu quốc hội Đức đầu tiên yêu cầu mở lại Nord Stream. Vào tháng 9, đồng lãnh đạo AfD Tino Chrupalla gọi các đường ống dưới biển là “một huyết mạch của ngành công nghiệp Đức” và tuyên bố rằng “Nord Stream phải được sửa chữa, mở cửa và bảo vệ”.
Ukraine đã từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển với Gazprom của Nga sau năm 2024, cắt đứt dòng khí đốt tự nhiên từ Nga đến Romania, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Áo, Ý và Moldova.
Quyết định của Ukraine khiến giá khí đốt của EU tăng vọt lên 50 euro cho mỗi megawatt giờ, một con số chưa từng thấy kể từ tháng 10/2023.
Chi phí năng lượng tăng vọt ở Đức sau khi chính phủ từ bỏ việc nhập khẩu dầu khí từ Nga vào năm 2022. Đức từng phụ thuộc vào Nga để cung cấp khoảng 55% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Cùng với thúc đẩy các nguồn năng lượng khác, Berlin hiện đã phải vật lộn để bù đắp sự thiếu hụt. Đáng chú ý hơn, các nhà sản xuất hàng đầu của Đức - bao gồm Volkswagen, Bosch và BASF - đều đã thông báo sa thải nhân viên và đóng cửa nhà máy.
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Đức đã nhận khí đốt từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 1, trong khi Nord Stream 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Berlin đã thu hồi giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 vài ngày trước khi hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu và cả hai đường ống đều bị phá hủy trong một hành động phá hoại vào tháng 9 năm đó.
Các nhà điều tra Đức được cho là đã đưa ra giả thuyết rằng các đường ống đã bị phá hủy bởi những kẻ phá hoại người Ukraine.
Song nhà báo người Mỹ Seymour Hersh vẫn khẳng định rằng, đường ống dẫn khí dưới biển đã bị CIA và Hải quân Mỹ cho nổ tung. Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga (SVR), Sergey Naryshkin, đã đổ lỗi cho "những kẻ phá hoại chuyên nghiệp từ các cơ quan đặc biệt Anh-Mỹ", ám chỉ Mỹ và Vương quốc Anh.