Bức tượng được cho là chứa xác ướp của nhà sư Trương Công Lục Toàn. |
Một nhóm người dân thôn Dương Xuân, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, đã tới Hà Lan để yêu cầu hoàn trả tượng Phật chứa xác ướp 1.000 năm tuổi.
Họ cáo buộc nhà sưu tập người Hà Lan Oscar van Overeem đã mua bức tượng Phật bị đánh cắp ở Hong Kong năm 1996, theo AFP.
"Chúng tôi lớn lên cùng bức tượng. Ông ấy ở đó suốt ngày và đêm, là lãnh tụ tinh thần của chúng tôi", Lin Wen Qing, đại diện cho nhóm dân làng nói sau khi luật sư trình bày phần lập luận tại tòa án Amsterdam hôm 31/10.
"Đối với chúng tôi, việc đưa ông ấy quay lại rất quan trọng", Lin nói. Ông là một trong 6 người dân thôn Dương Xuân tới Hà Lan dự phiên điều trần.
Bức tượng Phật được thờ phụng tại ngôi chùa ở Dương Xuân nhiều thế kỷ trước khi bị đánh cắp vào cuối năm 1995. Bức tượng có niên đại 1.000 năm, kích thước tương đương người thật, bên trong chứa xác ướp một nhà sư được cho là Trương Công Lục Toàn (Zhanggong Liuquan). Ông đã thực hiện nghi thức tự ướp xác trong một ngôi làng từ thời Tống.
Sau hai thập niên mất tích, người làng nhận ra bức tượng tái xuất hiện năm 2015 tại Triển lãm Xác ướp Thế giới ở Budapest. Bản quét CT cho thấy bên trong tượng có một bộ xương người, được cho là một tu sĩ người Trung Quốc sống cách đây gần một thiên niên kỷ thuộc triều đại nhà Tống. Bức tượng sau đó bị rút khỏi triển lãm.
Vụ kiện được dư luận quan tâm vì có thể đây là lần đầu tiên Trung Quốc thành công đòi lại các cổ vật lịch sử tại tòa án.
"Giữa dân làng và bức tượng có mối quan hệ rất đặc biệt", luật sư Jan Holthuis trình bày với thẩm phán.
Van Overrem nói với thẩm phán rằng đã đổi lấy bức tượng với một nhà sưu tập người Trung Quốc năm 2015 và không biết danh tính người này. Tuy nhiên, ông vui mừng nếu bức tượng sẽ quay về Trung Quốc, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Holthuis rằng mình là một người buôn cổ vật Trung Quốc và đã mua bức tượng ở Hong Kong năm 1996.
"Tôi là kiến trúc sư, là nhà sưu tập đam mê nghệ thuật, chắc chắn không phải tay buôn", ông nói. Van Overeem khẳng định không biết nguồn gốc bức tượng.
Thẩm phán sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/12. Những vụ hoàn trả cổ vật Trung Quốc thường được thực hiện thông qua con đường ngoại giao.
Những năm gần đây, Bắc Kinh phản đối quyết liệt việc buôn bán các đồ tạo tác mà họ cho rằng bị đánh cắp hồi thế kỷ 19, khi các cường quốc châu Âu tiến vào Trung Quốc.