Bán... “vịt trời”
Báo GD&TĐ nhận được đơn kêu cứu của ông Đặng Xuân Bằng, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội về việc bị Công ty Cổ phần thương mại địa ốc An Phúc (gọi tắt là Công ty An Phúc) lừa đảo chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng.
Đơn kếu cứu của ông Bằng có nội dung: vào tháng 3/2021, qua mạng xã hội ông biết đến dự án Khu dân cư cầu Lạc Trung (gọi tắt là dự án Opus One) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Văn Lang (gọi tắt là Công ty Văn Lang) làm chủ đầu tư.
Do biết ông Bằng có nhu cầu mua nhà tại dự án Opus One, nên Công ty An Phúc đã cho nhân viên là Nguyễn Văn Trường liên hệ tư vấn và cho biết Công ty An Phúc là đơn vị phân phối, bán hàng tại dự án Opus One. Ngày 29/3/2021, ông Trường đã đến nhà tư vấn trực tiếp cho ông Bằng.
Sau khi nghe ông Trường tư vấn, thuyết phục, vì tin tưởng đây là đơn vị làm ăn nghiêm túc nên ông Bằng đã đồng ý ký phiếu đăng ký và chuyển 60 triệu đồng tiền mặt cho ông Trường để giữ chỗ đặt mua 4 lô đất liền kề tại dự án Opus One theo đề nghị của nhân viên này.
Ngày 30/3/2021, ông Bằng tiếp tục chuyển 140 triệu đồng qua tài khoản của Công ty An Phúc để đặt chỗ cho 4 lô đất tại dự án Opus One. Như vậy, tổng số tiền ông Bằng đã chuyển cho Công ty An Phúc là 200 triệu đồng để giữ chỗ mua 4 lô đất.
Sau khi ký phiếu và chuyển tiền giữ chỗ theo yêu cầu của Công ty An Phúc, ngày 1/4/2021, ông Bằng đã xác nhận đặt mua 2 lô đất A3.20 và A3.21 tại dự án Opus One với số tiền theo ông Trường báo giá là 30,5 triệu đồng/1m2. Trong khi giá gốc của chủ đầu tư là 24,6 triệu đồng/ 1m2, giá chênh ngoài là 525 triệu đồng/1 lô.
Sau khi xác nhận đặt mua 2 lô đất nói trên, ông Bằng đã đồng ý cho ông Trường chuyển 200 triệu tiền giữ chỗ sang cọc chết. Ngày 2/4/2021, ông Trường gọi điện thoại yêu cầu ông Bằng nộp tiền chênh cho 2 lô đất đã đặt mua là 1.050.000.000 đồng. Số tiền này ông Bằng phải nộp trong 24 giờ.
Trước yêu cầu trên của nhân viên Công ty An Phúc, ông Bằng vì chưa chuẩn bị kịp tiền nên đã thay đổi từ lấy 2 lô sang lấy một lô, số tiền chênh là 525 triệu đồng.
Do muốn xác thực lại giao dịch, ông Bằng đã yêu cầu ông Trường chứng minh việc chuyển 200 triệu đồng mà ông đã đặt cọc cho chủ chủ đầu tư để có cơ sở chuyển tiếp tiền chênh.
Sau đó, ông Trường đã gửi cho ông Bằng hình ảnh một lệnh chuyển tiền có nội dung là Đỗ Minh Tiến - Giám đốc Công ty An Phúc chuyển cho một cá nhân nhưng bị che tên, chứ không phải là Công ty Văn Lang!?
Giám đốc khẳng định đúng
Nhận thấy có sự không minh bạch về số tiền đã đặt cọc và không có cam kết nào thể hiện ông Bằng chắc chắn lấy được lô đất đã đặt cọc mua. Do đó, ông Bằng đã không đồng ý mua, không chuyển tiếp số tiền chênh và yêu cầu Công ty An Phúc chuyển trả số tiền 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, cả ông Tiến và ông Trường đều khẳng định nếu ông Bằng không đồng ý tiếp tục giao dịch và chuyển tiếp số tiền chênh thì sẽ bị mất số tiền đặt cọc sau 24 giờ.
Do nghi ngờ bị lừa, ngày 27/4/2021, ông Bằng tìm đến trụ sở của Công ty Văn Lang – chủ đầu tư của dự án Opus One để tìm hiểu. Tại đây, đại diện Công ty Văn Lang cho biết, hai lô đất mà ông Bằng đặt cọc mua của Công ty An Phúc đã được chủ đầu tư bán cho người khác trước ngày 29/3/2021.
Công ty Văn Lang cũng khẳng định không nhận được bất cứ đồng tiền cọc nào của ông Bằng do Công ty An Phúc chuyển đến. Đồng thời, Công ty Văn Lang cho biết, đơn vị này cũng không ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty An Phúc là đơn vị bán hàng của Chủ đầu tư tại dự án khu Opus One mà chỉ ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư Đại Việt (gọi tắt là Công ty Đại Việt).
Sau khi làm việc với Công ty Văn Lang, ông Bằng đã liên hệ với ông Tiến – Giám đốc Công ty An Phúc và nhân viên tên Trường để làm rõ số tiền cọc 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cả 2 ông này đều khẳng định do ông Bằng đã đặt cọc nhưng không chuyển tiền trong 24 giờ để đặt mua 2 lô đất mà Công ty Văn Lang đã bán cho người khác nên bị mất tiền cọc!?
Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo GD&TĐ đã liên hệ với ông Đỗ Minh Tiến – Giám đốc Công ty An Phúc. Qua trao đổi, ông Tiến đề nghị phóng viên làm việc với chủ đầu tư sẽ biết được thông tin liên quan.
“Còn bên anh đã có hợp đồng với Công ty Đại Việt. Về mặt pháp lý, về mặt quy trình, thủ tục được giao dịch là bên anh hoàn toàn đủ. Căn đấy đúng là đã có người vào tiền và ký hợp đồng, vì căn đấy là căn ngoại giao. Bên anh cũng tư vấn rất rõ là căn ngoại giao” – ông Tiến nói.
Được biết, ông Bằng đã gửi đơn tố cáo đến Công an quận Hoàng Mai để nhờ làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Tiến và ông Trường.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.