Từ 14h, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế phối hợp với chính quyền phường Thuận Lộc tổ chức cho người dân trên địa bàn bốc thăm lô đất - nơi ở mới của họ ở khu tái định cư phường Hương Sơ.
Sơ đồ các lô đất được công khai và ghi vào giấy bỏ trong thùng. Người dân lần lượt lên bốc thăm, sau khi chọn vị trí lô đất, họ được chính quyền địa phương hỗ trợ các thủ tục liên quan. Việc tái định cư sẽ triển khai ngay sau Tết.
Bà Lê Thị Bé (46 tuổi, phường Thuận Lộc) cho hay vừa bốc trúng lô đất 100 m2, nằm ở hướng Nam. Sau khi xem bản đồ, bà tỏ vẻ hài lòng vì lô đất mình vừa bốc nằm mặt tiền, thuận lợi việc buôn bán về sau.
"Hơn 20 năm sống tạm bợ ở Thượng Thành (khu vực bảo vệ di tích Kinh thành Huế), nay được cấp đất tái định cư, tôi rất háo hức. Tới đây gia đình sẽ tự động tháo dỡ nhà cửa nơi ở cũ để chuyển đến khu tái định cư", bà Bé chia sẻ.
Ông Nguyễn Sửu (61 tuổi, phường Thuận Lộc) cũng chia sẻ xúc động vì "đây có lẽ là cái Tết cuối cùng của gia đình tôi ở Thuận Thành".
Theo ông Sửu, 30 năm qua gia đình ông gồm 6 người sinh sống trong căn nhà cấp 4, nay được bốc thăm lô đất hơn 100 m2, "dù vị trí nào tôi cũng thấy hài lòng vì chỉ muốn sớm được di dời khỏi khu ổ chuột".
Ông Nguyễn Sửu chờ đến lượt bốc thăm lô đất. Ảnh:Võ Thạnh |
Do số lượng người dân đến bốc thăm đông, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế sẽ tiến hành bốc thăm trong hai ngày (20 và 21/1). "Trong 523 hộ dân di dời đợt đầu tiên, có 314 hộ đủ điều kiện giao đất", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nói và cho hay chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tối đa để người dân sớm di dời đến nơi tái định cư, ổn định cuộc sống mới.
Những căn nhà người dân sống trên Thượng Thành nhìn từ trên cao. Ảnh:Võ Thạnh |
Tại cuộc gặp mặt các hộ dân sống trong khu vực bảo vệ di tích Kinh thành Huế vào cuối tuần qua, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, các hộ nghèo sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền để xây nhà.
Khu tái định cư sẽ có đầy đủ các thiết chế theo quy hoạch, đảm bảo cảnh quan và môi trường để người dân an cư, lập nghiệp.
Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực này sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố.
Kế hoạch di dời các hộ dân trên của Thừa Thiên Huế chia thành ba giai đoạn, trong năm 2019 là 523 hộ dân ở Thượng Thành; năm 2020 giải tỏa khu vực Eo Bầu; năm 2021 di dời dân ở khu vực Hộ Thành Hào và tuyến phòng hộ.
Chính quyền thu hồi gần 78 ha đất ở phường Hương Sơ để bố trí 3.526 lô đất tái định cư cho người dân (bao gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô đất từ 60 m2 đến 200m2.
Các hộ dân có nhà trong di tích Kinh thành Huế trước ngày 15/10/1993 sẽ được hỗ trợ 100% giá trị căn nhà nhưng không vượt quá 200 m2; các hộ dân sau ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2004 được hỗ trợ 50%. Ngoài ra, chính quyền hỗ trợ tiền thuê nhà trong 6 tháng cho người dân sau khi di dời, hỗ trợ tiền chuyển nhà.