Người đàn ông liệt nửa người một mình xuyên Việt tìm thầy lang

"Nhớ lại ngày đó, mình cũng thật là liều, trong người chỉ có hơn 70 ngàn đồng mà vẫn quyết định vào miền Nam chữa trị."

Người đàn ông liệt nửa người một mình xuyên Việt tìm thầy lang

Sau khi bị tai nạn giao thông, anh Phạm Văn Sơn (Sinh năm 1975, quê Hải Dương) bị liệt nửa người. Đau khổ hơn, người vợ trẻ “đầu ấp tay gối” bỏ anh lúc anh khó khăn nhất. 

Những tưởng cuộc sống chấm dứt, nhưng thời gian chảy trôi, vết thương lòng năm xưa dần nguôi ngoai, trái tim anh một lần nữa lại đập lên những nhịp bồi hồi khi nhận được sự chăm sóc tận tình của một người con gái cùng làng. Nhờ tình yêu ấy, một người đàn ông từng quay lưng với cuộc sống lại khát khao được sống mãnh liệt…

Vụ tai nạn nghiệt ngã

Sinh ra trong gia đình nghèo, lại đông anh em, từ nhỏ anh Phạm Văn Sơn phải nai lưng đi kiếm từng đồng để tự nuôi sống bản thân. Mới 5 tuổi, anh đã biết đi mò cua bắt ốc lấy tiền phụ giúp gia đình những lúc khó khăn. Học hết cấp 1, Sơn xin nghỉ học bởi gia cảnh quá nghèo khó. 10 tuổi, Sơn đã biết theo chị đi cấy, gặt thuê.

Đó là quãng thời gian lam lũ nhưng hồn nhiên và ắp đầy kỉ niệm đối với anh. 17 tuổi, anh rời xa vòng tay gia đình, tìm tới một mảnh đất mới để kiếm kế sinh nhai với hi vọng kiếm được chút tiền, gửi về phụ giúp cha mẹ, sẻ chia phần nào gánh nặng gia đình.

Anh theo một người họ hàng vào vùng đất Lâm Đồng cạo mủ cao su thuê. Công việc vất vả, bất kể sáng, tối, ngày đêm, đổi lại thu nhập Sơn có được tương đối ổn định. 

Dẫu vậy, trong lòng anh chưa lúc nào nguôi nỗi nhớ quê. Tằn tiện chi tiêu, mỗi khi có dịp, Sơn lại trở về ngôi nhà ấu thơ thăm gia đình, họ hàng.

Cũng bởi làm ăn, đến tuổi yên bề gia thất mà Sơn vẫn một mình lẻ bóng. Điều này khiến cha mẹ anh vô cùng lo lắng và liên tục giục giã con trai. 

Cuối cùng, dưới sức ép của gia đình, Sơn kết hôn với một cô gái do sự mai mối, sắp đặt của cha mẹ. Sau khi kết hôn, Sơn tiếp tục vào Tây Nguyên lập nghiệp, còn người vợ trẻ ở nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Công việc suôn sẻ, thu nhập ổn định, hàng tháng Sơn vẫn tằn tiện dành được một khoản gửi ra Bắc cho vợ đều đặn. Cuộc sống bình lặng, giản đơn trôi đi, cho tới một ngày đầu năm 2000, Sơn bị tai nạn.

Vụ tai nạn nghiệt ngã đã cướp đi một phần cơ thể anh. “Bao nhiêu năm làm lụng lại dồn vào chạy chữa sau vụ tai nạn nghiêm trọng. Thậm chí, bác sĩ đã tiên liệu cho gia đình tôi tình huống xấu nhất, có thể tôi không qua khỏi. Cha mẹ và vợ tôi đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt.

Thế nhưng, ông trời đã cho tôi sống. Chỉ có điều, khi tỉnh dậy, một nửa cơ thể tôi không thể cử động được. Dù sống, nhưng tôi hoàn toàn tuyệt vọng và có lúc thầm ước, giá như tôi chết đi có lẽ không phải chịu đựng bi kịch này. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, sức dài vai rộng, tôi trở thành một phế nhân”.

Hạnh phúc ngập tràn

Sau 10 năm nằm một chỗ, tất cả các hoạt động, sinh hoạt cá nhân đều phải có người hỗ trợ, giúp đỡ, Sơn giống như một cái cây cằn lay lắt qua ngày. Lúc đó tôi cảm thấy ê chề hơn lúc nào hết. Làm bất cứ điều gì cũng phải nhờ người thân trong gia đình.

Quá vất vả, vợ tôi đã bỏ đi. Nhưng, trong thâm tâm tôi chưa bao giờ oán trách cô ấy. Chỉ trách con tạo trêu ngươi, bỡn cợt số phận của tôi. Kể từ khi vợ tôi bỏ đi, tôi chẳng còn thiết tha với cuộc đời nữa. Tôi nghĩ mình giống như một gánh nợ cõi trần gian vậy”.

Hạnh phúc hiếm hoi còn ở lại bên Sơn là cô con gái đủ lớn khôn rất thương yêu bố. “Con tôi học cấp 2, rất ngoan hiền và học giỏi. Thương cha bệnh tật, cháu rất biết nghe lời”. 

Không chỉ vậy, trong khi người vợ bao năm đầu ấp tay gối bỏ đi, Sơn đã tự nhủ cuộc sống về sau đơn chăn gối chiếc, nào ngờ, một ngày có một người con gái cùng làng sang ngỏ lời muốn được chăm sóc anh quãng đời còn lại.

“Ban đầu cô ấy chỉ sang chơi, hỏi thăm tôi vài lần. Nhưng sau những lần trò chuyện, trái tim cô ấy rung cảm, xót xa và thông báo muốn gắn bó với người đàn ông bệnh trọng như tôi. 

Cả gia đình tôi, những người biết chuyện và ngay bản thân tôi vô cùng xúc động, ngạc nhiên trước quyết định có phần điên rồ của cô ấy khi muốn gắn bó với tôi.

Đám cưới của chúng tôi giản đơn nhưng nhận được biết bao lời chúc phúc của họ hàng, bè bạn. “Nghĩ lại ngày đó, mình thì hạnh phúc tới rơi nước mắt, còn cô ấy thiệt thòi quá…”, anh Sơn ngậm ngùi tâm sự.

Có được tình yêu ngọt lành và dũng cảm của vợ, anh Sơn quyết tâm đi tìm thầy chữa bệnh để người vợ bao dung của anh phần nào bớt thiệt thòi. Hễ ai mách ở đâu có thầy chữa trị, anh đều lặn lội tới tìm nhưng bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm.

Tình cờ vào một ngày anh đang xem tin tức trên ti vi thì có chương trình nói về một người thầy chuyên bấm huyệt bằng phương pháp thập chỉ đạo, giúp những người tai biến, liệt nửa người có thể đi lại được. 

Mặc dù thầy thuốc ở tận miền Nam, nhưng anh Sơn vẫn không ngại khổ, quyết tâm đi tìm bằng được, dù trong người có chưa đến 100 ngàn đồng.

“Tôi đi chữa bệnh nhưng không nói với vợ con, gia đình, bởi nếu nói ra, chắc chắn sẽ khiến mọi người lo lắng. Nhớ lại ngày đó, mình cũng thật là liều, trong người chỉ có hơn 70 ngàn đồng mà vẫn quyết định vào miền Nam chữa trị. Cũng may anh bạn thân thông cảm và tốt bụng cho đi nhờ xe khách bởi anh ấy lái tuyến Bắc – Nam.

Khi đến nơi, tôi liền nhờ chú xe lam chở tôi đến địa chỉ của người thầy thuốc. Số phận mỉm cười, biết hoàn cảnh của tôi, người thầy và một số bệnh nhân đang chữa trị ở đó không những hỗ trợ tôi một phần tiền bạc mà còn tìm chỗ trọ giúp tôi. Trước những tấm lòng độ lượng, tử tế như vậy, tôi chỉ biết khóc vì cảm động.

Người đàn ông liệt nửa người một mình xuyên Việt tìm thầy lang - Ảnh 1

Ông Nguyễn Tam Kha bấm huyệt cho bệnh nhân tai biến.

Sau hơn 6 tháng chuyên tâm chữa trị, một bên tay bị liệt của anh Sơn đã có thể cầm nắm được, một bên chân của anh cũng đã đứng và đi lại được đến 70%. 

Anh hạnh phúc chia sẻ: “Ông trời vẫn còn thương tôi nhiều lắm. Thế mà lúc trước mình cứ trách ổng hoài… Vừa lấy được người vợ bao dung, chu toàn trong cuộc sống gia đình, lại gặp được thầy Nguyễn Tâm Kha độ lượng và những vị khách cách hàng ngàn cây số, chưa hề quen biết vẫn dang tay ra giúp đỡ. Còn hạnh phúc nào hơn khi bệnh tình của tôi gần như khỏi hẳn!”.

Anh Sơn tiếp tục chia sẻ: “Lúc đầu tôi bỏ nhà đi không thông báo câu nào, gia đình và vợ con tôi lo lắng lắm. Hơn một tuần sau đó tôi mới điện thoại báo tin cho gia đình biết và kể về những may mắn gặp được trên đường chữa trị.

Lúc này, gia đình và vợ của tôi mới thật sự yên tâm cho tôi ở lại điều trị. Những ngày sau đó, vợ tôi liên tục hỏi thăm và động viên tôi. Có lẽ tôi vẫn là người đàn ông may mắn nhất thế gian này”, anh Sơn hạnh phúc chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tam Kha trực tiếp chữa trị cho anh Sơn nhớ lại: “Ngày Sơn đến chữa trị, tôi cùng một số người phải khiêng anh ấy vào nhà. Bởi, lúc đó anh bị liệt nửa người, còn không cử động được, trong khi anh Sơn chỉ đi một mình, không có ai thân thích ở bên cạnh.

Lúc đó tôi hỏi tại sao anh lại đi một mình? Người thân của anh đâu? Nghe anh kể, chúng tôi mới biết được hoàn cảnh và nghị lực của anh. 

Sau nhiều ngày chuyên tâm chữa trị, giờ đây anh Sơn đã có thể vận động được, giống như phép màu kỳ diệu. Bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc khi chứng kiến nghị lực của anh ấy được đền đáp”.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ