Ngôi làng hẻo lánh Kothilawa, thuộc khu vực Lahthua của quận Gaya, luôn bị thiếu nước, bởi phần lớn lượng nước mưa đổ xuống những ngọn núi gần đó chảy ra sông, thay vì đổ về làng. Đây là một trong những lý do mà một số người dân trong làng quyết định chuyển đi nhưng có một người đàn ông đã quyết định ở lại và khắc phục sự khó khăn thay này thay vì chạy trốn khỏi nó.
Cách đây 30 năm, người đàn ông Laungi Bhuiyan quyết định tự mình giải quyết vấn đề bằng cách đào một con kênh dẫn nước từ những ngọn đồi đến một cái ao gần làng của mình.
Không ai giúp đỡ Laungi Bhuiyan trong việc đào kênh dẫn nước, vì vậy trong suốt gần 30 năm, người đàn ông này đã tự mình đào con kênh dài 3 km.
Bhuiyan chia sẻ: “Tôi đã mất gần 30 năm để đào con kênh dẫn nước đến một cái ao trong làng. Trong 30 năm qua, tôi đã đến khu rừng gần đó để chăn gia súc và đào kênh. Không ai tham gia cùng tôi trong nỗ lực này. Dân làng đang đi đến các thành phố khác để kiếm kế sinh nhai nhưng tôi quyết định ở lại”.
Nằm cách trụ sở quận Gaya khoảng 80 km, Kothilawa được bao quanh bởi rừng rậm và núi. Vào mùa mưa, nước từ trên núi đổ xuống chảy thẳng vào một con sông chảy qua khu vực này, nhưng kể từ khi Laungi Bhuiyan hoàn thành con kênh dài 3 km, nước đã được dẫn về một cái ao gần làng, cho phép người dân địa phương chăn nuôi, thậm chí tưới tiêu cho cây trồng mà không lo thiếu nước.
Kể từ khi thông tin về những thành tích ấn tượng của mình bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, Bhuiyan đã được đặt biệt danh là "Canal Man", hoặc "Bihar"s Second Mountain Man", theo biệt danh được đặt cho Dasrath Manjhi, một nông dân không có đất ở cùng bang đã trải qua hai thập kỷ đục đẽo một ngọn núi với những công cụ thô sơ, để tạo ra một con đường đến làng của mình.
Câu chuyện của Laungi Bhuiyan nhắc nhở chúng ta về những người bình thường khác, họ nổi tiếng với những thành tích phi thường của mình, những người như Hoàng Đại Pháp - người đã đục núi trong 36 năm để mang nước đến làng của mình, hay Jalandhar Nayak - người tự tay làm con đường đất dài 8 km để lũ trẻ của anh có thể đến thăm thường xuyên hơn.