Người đàn ông 40 tuổi có dấu hiệu hoang tưởng sau khi uống rượu

GD&TĐ - Người đàn ông nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu hoang tưởng, kích thích và vật vã, ảo giác. Kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy thông thường, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân uống phải rượu pha cần sa tổng hợp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 27/1, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân 40 tuổi có dấu hiệu hoang tưởng sau khi uống rượu.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước đó trong chuyến công tác tại Hà Nội bệnh nhân uống rượu bên ngoài và bất ngờ xuất hiện các triệu chứng bất thường. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu, có dấu hiệu hoang tưởng, ảo giác, kích thích vật vã.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khẩn trương tiến hành cấp cứu, đồng thời điều trị cho người bệnh bằng một số loại thuốc.

Sau điều trị, hiện tại tình trạng sức khỏe của người bệnh đã ổn định.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ trên Zing, nhận định khả năng cao bệnh nhân uống phải rượu pha một loại cần sa tổng hợp. Các loại cần sa tổng hợp hiện nay là thách thức rất lớn với cơ quan chức năng và sức khỏe người dân. Đây là tổng hợp của nhiều chất kích thích khác nhau, được tạo ra và thay đổi hàng ngày nhằm phục vụ nhu cầu của một số đối tượng.

Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, hiện nay, xuất hiện nhiều loại rượu giả kém chất lượng, nếu không may uống phải sẽ bị ngộ độc methanol, từng có nhiều trường hợp rất nặng và tử vong.

Người bình thường nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Ca ngộ độc methanol nặng nhất từ trước đến nay lên tới 687mg mathanol/dl.

Dù uống liên tục với liều không cao nhưng methanol vẫn tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.

Những trường hợp bị ngộ độc methanol khi nhập viện đều diễn biến hết sức nặng nề. Nguy hiểm nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng.

Với những trường hợp này dù được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng phần lớn đều không qua khỏi. Số ít qua được nhưng để lại nhiều di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.

TS Nguyên khuyến cáo trên VNN với người dân liên quan đến việc khi uống phải rượu giả, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân cần hạn chế uống rượu hoặc uống với liều lượng thấp nhất có thể để tránh các tác động có hại.

Ngoài ra, người dân cần cảnh giác với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường cũng như những địa điểm bày bán không uy tín do các rủi ro về sức khỏe. Đặc biệt, mọi người nên tránh tiếp xúc những đối tượng có xu hướng nghiện rượu, tâm lý có vấn đề với chất kích thích, phòng trường hợp xấu xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.