Những ngày qua, hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh của anh A Chung (làng Kon Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) chết hàng loạt.
Anh Chung cho hay, đầu năm vừa qua anh vay của ngân hàng hơn 150 triệu đồng để đầu tư mua hạt giống sâm về trồng. Thời gian đầu, sâm thích nghi với khí hậu và phát triển khá tốt.
Thế nhưng, khi cây cao được khoảng 5 - 10 cm thì bỗng dưng có dấu hiệu vàng lá rồi chết dần. Gia đình anh A Chung tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị nhưng vẫn không cứu vãn được.
Không những thế, sau trận mưa dài hơn 1.500 cây sâm Ngọc Linh từ 1 - 4 năm tuổi của gia đình anh A Chung cũng bị héo dần rồi chết.
“Sâm chết hàng loạt, gia đình tôi chẳng biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. Chỉ mong rằng dịch bệnh, mưa đừng gây hại đến số sâm còn sót lại”, anh A Chung bộc bạch.
Tương tự, anh A Thuất (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, vào đầu năm 2021, gia đình vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để mua 1.000 hạt giống sâm Ngọc Linh về trồng. Như những gia đình khác, thời gian đầu số sâm Ngọc Linh thích nghi và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, hơn một tháng qua, 500 cây sâm bị chết bất thường, những cây còn lại cũng đang khô héo và khó sống sót.
Theo thống kê của UBND huyện Tu Mơ Rông hiện đã có 39.224 cây sâm Ngọc Linh của 408 hộ dân bị thiệt hại, ước tính khoảng hơn 20,8 tỷ đồng. Trong đó, số lượng cây bị sâu, bệnh hại là 38.412 cây của 393 hộ nằm ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây, Văn Xuôi với số tiền bị thiệt hại khoảng 20,4 tỷ đồng. Số lượng cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 812 cây của 27 hộ các xã Măng Ri, Đắk Sao, với thiệt hại khoảng hơn 324 triệu đồng.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình sâm Ngọc Linh chết hàng loạt UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh nguyên nhân. Bên cạnh đó, hướng dẫn tạm thời một số giải pháp phòng trừ và tách các cây mắc bệnh ra khỏi luống.
Cũng theo ông Mười, đa số các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng sâm Ngọc Linh, UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân trồng sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện nhằm khôi phục các diện tích bị chết.