Người dân dựng lều lán phản đối trại nuôi lợn

GD&TĐ - Nhiều ngày nay người dân các thôn Mỹ Hòa, Yên Trường (xã Yên Tâm, Yên Định, Thanh Hóa) đã dựng lều lán trước cổng của trại nuôi lợn để phản đối việc chăn nuôi ở đây và yêu cầu Công ty TNHH PNT chi nhánh Thanh Hóa di dời trang trại theo cam kết cách đây 6 tháng.

Người dân dựng lều lán trước cổng trang trại nuôi heo xã Yên Tâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) để yêu cầu di dời trang trại- Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Người dân dựng lều lán trước cổng trang trại nuôi heo xã Yên Tâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) để yêu cầu di dời trang trại- Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Được biết, trang trại nuôi lợn xã Yên Tâm do ông Nguyễn Thành Chinh (ở xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) làm chủ, hoạt động từ năm 2009 đến nay. 

Trang trại nuôi lợn công nghiệp này xây dựng trên diện tích đất gần 96.000 m2, tại khu vực bãi Cằn Kiến (thôn Mỹ Hòa). Trang trại chăn nuôi khoảng từ 5.000 - 6.000 con lợn thương phẩm/năm; lợn giống 1.300 con. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trang trại liên tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo phản ánh của người dân, do trang trại lợn đặt ở gần khu dân cư nên người dân đề nghị cơ quan chức năng phải di chuyển ra khỏi địa bàn. Chủ trang trại phải cam kết với người dân địa phương không được gây ô nhiễm môi trường nữa.

Trước đó, ngày 17 - 23/4, hàng trăm người dân nơi đây cũng đã dựng lều trước cổng chính, cổng phụ của Công ty TNHH PNT chi nhánh Thanh Hóa để phản đối việc trang trại nuôi lợn của công ty này đã gây ô nhiễm môi trường sống của người dân nơi đây. 

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty đã cam kết thực hiện ngay việc khắc phục ô nhiễm môi trường do trang trại xả thải ra, gây bức xúc cho nhân dân địa phương. 

Từ ngày 24/4 đến ngày 4/5, doanh nghiệp phải chuyển hết số lợn thương phẩm đang nuôi ra khỏi địa bàn; không được nuôi lợn thương phẩm tại trang trại xã Yên Tâm. 

Trong 6 tháng (từ ngày 24/4 đến 24/10/2014), doanh nghiệp giảm dần đàn lợn nái ngoại và sẽ giải phóng hết số lợn này. Chủ trang trại phải vớt sạch bèo tây tại kênh Hón Măng, xử lý ô nhiễm môi trường khu vực ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân…

Đến ngày 25/10, doanh nghiệp trên chưa di dời trang trại nuôi lợn ra khỏi địa bàn nên người dân địa phương tiếp tục dựng lều trước cổng trang trại, yêu cầu di dời theo cam kết.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Chinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH PNT chi nhánh Thanh Hóa - cho biết: Từ cuối tháng 4/2014, công ty đã chuyển hết số lợn thương phẩm ra khỏi trang trại theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. 

Hiện nay, số lợn tại trang trại ở xã Yên Tâm là 1.200 con lợn nái và 70 con lợn đực giống theo đúng quy mô được UBND tỉnh phê duyệt. 

Phía Công ty cũng đã xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường trong và ngoài trang trại như: thu gom phân lợn đóng gói làm phân bón, xử lý mùi hôi trong trang trại…

Tại công văn số 4559 (ngày 17/10/2014), Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có đánh giá: Trang trại nuôi lợn ở xã Yên Tâm không còn phát sinh mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh; lượng nước thải từ trang trại đổ ra kênh Hón Măng đã được giảm đáng kể. 

Tuy nhiên, công tác khắc phục ô nhiễm môi trường của Công ty thực hiện chậm so với chỉ đạo của cơ quan các cấp, các ngành. Kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng cho thấy, các công trình xử lý chất thải tại trang trại chưa được đầu tư đầy đủ theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1569 (năm 2008).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc gửi UBND huyện Yên Định và các sở, ban, ngành liên quan: Giao Chủ tịch UBND huyện Yên Định tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân xã Yên Tâm để nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo nhân dân và các hành vi vi phạm pháp luật. 

Yêu cầu Công ty TNHH PNT chi nhánh Thanh Hóa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định đã được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường việc xử lý môi trường, vệ sinh chuồng trại…

Theo ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục  và Thời đại, đến sáng nay (27/10), hàng trăm người dân địa phương vẫn tụ tập trước cổng trang trại Yên Tâm để yêu cầu Công ty di dời theo đúng cam kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...