Người dân Anh đi bỏ phiếu về tương lai mối quan hệ với EU

GD&TĐ - Từ sáng sớm 23/6, người dân Anh đã chính thức đi bỏ phiếu thực hiện trưng cầu dân ý về quyết định rời bỏ hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU), vốn đã gây ra nhiều tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ nước này gần một năm qua. 

Người dân Anh đi bỏ phiếu về tương lai mối quan hệ với EU

Thời gian bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ - 22 giờ theo giờ địa phương (tức từ 14 giờ ngày 23/6 đến 5 giờ sáng ngày 24/6 theo giờ Việt Nam).

Con số kỷ lục

Ước tính có khoảng 46.499.537 người có quyền bầu cử đi bỏ phiếu, đây là một con số kỷ lục về một cuộc trưng cầu tại Vương quốc Anh từ trước đến nay. Đây là cuộc trưng cầu thực hiện trên toàn quốc lần thứ 3 trong lịch sử của Anh và diễn ra sau một chiến dịch vận động kéo dài 4 tháng giữa hai phe ủng hộ và phản đối rời khỏi EU.

Nội dung mỗi tờ phiếu có một câu hỏi để người dân lựa chọn: “Vương quốc Anh nên tiếp tục là thành viên của Liên minh Châu Âu hay rời khỏi Liên minh Châu Âu?”. Bên nào có được số phiếu lớn hơn 50% sẽ giành chiến thắng.

Trong một cuộc khảo sát trước thời điểm bỏ phiếu vài giờ, phe ủng hộ Anh độc lập với EU đã chiếm được ưu thế khi có khoảng 42% số người được hỏi sẽ bỏ phiếu để Anh rời bỏ EU. Trong khi đó còn khoảng 11% số cử tri vẫn đang do dự về quyết định của mình.

Tranh cãi đến phút cuối

Thủ tướng Anh David Cameron kể từ khi cầm quyền đã buộc phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dưới áp lực từ Đảng Bảo thủ của ông và làn sóng mạnh mẽ đòi từ bỏ EU của người dân. Ông hy vọng sau cuộc bầu cử sẽ kết thúc những tranh cãi kéo dài về vị trí của Anh với Brussels. Các chiến dịch vận động “Rời bỏ” cho biết nền kinh tế Anh sẽ hưởng lợi khi Brexit (rời bỏ EU) thành công.

Trong khi đó, tại buổi vận động “Ở lại” cuối cùng vào hôm 22/6, Thủ tướng Cameron nói rằng điều đó sẽ gây ra sự rối loạn cho nước Anh. Ông kêu gọi “người dân Anh hãy đi bỏ phiếu để có một nước Anh tốt hơn, lớn hơn trong một Liên minh Châu Âu”.

Đối thủ chính của ông, cựu thị trưởng London Boris Johnson, người đứng đầu phe “Rời bỏ”, đã cổ động mạnh mẽ cho chiến dịch Brexit tuyên bố “đây là cơ hội cuối cùng để người dân Anh thoát khỏi EU”. Những người thuộc phe “Rời bỏ” nói rằng hiện Anh đang bị quá nhiều ràng buộc từ EU, gồm các vấn đề thương mại, nhập cư, luật lao động… vốn gây ra nhiều kìm hãm cho sự phát triển của Anh.

Nước Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1973 và EU năm 1990. Nhưng Anh không bao giờ hoàn toàn chấp nhận sự kiểm soát của châu Âu. Nước này từ chối sử dụng đồng tiền chung euro và vẫn thực hiện kiểm soát biên giới trên bộ.

Theo các nhà phân tích, việc đòi rời bỏ khỏi EU đã âm ỉ từ lâu trong người dân và chính trị Anh, họ luôn nghi ngờ sự hội nhập sâu hơn của Anh với phần còn lại của châu Âu. Phe này đã phát triển mạnh trong những năm gần đây khi EU phải vật lộn với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng di cư.

Lãnh đạo thế giới khuyên Anh ở lại EU

Các nhà lãnh đạo nước ngoài, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama tới lãnh đạo Trung Quốc, đã kêu gọi nước Anh ở lại trong Liên minh Châu Âu, một thông điệp nhằm trấn an hệ thống tài chính toàn cầu, vốn sẽ bị tác động mạnh khi London không còn liên hệ với EU.

Các ngân hàng quốc tế cũng cảnh báo rằng, giá trị của đồng bảng Anh có thể giảm đáng kể nếu Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, và các nhà kinh doanh tiền tệ dự đoán thị trường sẽ có nhiều biến động kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Còn phe ủng hộ “Rời bỏ” cho rằng sự giảm giá của đồng bảng Anh sẽ giúp nước này đẩy mạnh xuất khẩu và giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

EU hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng người di cư và tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, do đó theo các nhà phân tích cuộc bỏ phiếu Brexit sẽ thúc đẩy sự đối lập giữa các nước thuộc khối này với Anh.

“Hãy ở lại cùng chúng tôi” tuyên bố được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gửi đến các cử tri Anh hôm 20/6. Ông này nói: “Nếu không có bạn, không chỉ châu Âu, mà thế giới phương Tây sẽ trở nên yếu hơn. Cùng với nhau, chúng ta sẽ có đủ khả năng đối phó với những thách thức ngày càng khó khăn trong tương lai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".