Anh, tên đầy đủ là Nguyễn Viết Hùng, người sáng lập Trung tâm Ngoại ngữ New Space đầu tiên tại Hà Tĩnh, người đặt nền móng cho Trường liên cấp Albert Enstein nay là Chủ tịch HĐQT nhà trường.
Tôi cần một cái “tên”
Tôi nhớ, một lần có một người thầy nói với các sinh viên của mình rằng, khi các em ra trường, đi làm đừng nghĩ gì xa xôi, hãy làm việc và đặt mục tiêu kiếm tiền, tất nhiên đồng tiền đó phải chân chính. Hôm nay, trong cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Viết Hùng, nghe anh kể về cuộc đời gian truân, khát vọng kiếm tiền, bỗng tôi nghĩ về câu chuyện của người thầy kia.
Anh sinh ra ở vùng quê nghèo Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Anh nói với tôi rằng, có lẽ nhờ cái nghèo, nhờ “khát” tiền mà ý chí trong anh cứ nhen nhóm mỗi ngày. Anh cứ thế cố gắng, phấn đấu như một con ong chăm chỉ với mong muốn thay đổi số phận. Từ cậu học trò nghèo, đậu đại học hàng đầu Việt Nam – ĐH Sư phạm Hà Nội, rồi rẽ ngang đi du học nước ngoài lựa chọn ngành tài chính, khi trở về nước anh hướng đến phát triển kinh tế nhưng là đầu tư cho giáo dục.
Anh bôn ba, làm ăn ở Sài Thành, đến khi có cơ, có thế, có chút vốn liếng, anh trở lại quê hương Hà Tĩnh. Anh nói rất thật tâm: “Tôi muốn về quê hương đầu tư, phát triển kinh tế bởi tôi cần một cái “tên” - ở đây là tên tuổi của tôi”. “Tôi muốn làm điều gì đó thật lớn lao, làm cho chính mình, làm cho quê hương. Tôi xây dựng một thương hiệu, tôi gọi là thương hiệu giáo dục ở đó sẽ là những ngôi trường song ngữ học tập thân thiện và không có bạo lực” – ánh mắt như bừng sáng khi anh nói đến ước mơ của mình.
“Cơ duyên thế nào tôi gặp được anh Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh, tôi đem ý tưởng đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục trao đổi với anh Hiếu. Ý tưởng lớn gặp nhau, từ đó đến nay đã thành lập được Trung tâm ngoại Ngữ New Space đầu tiên tại Hà Tĩnh, Trường Mầm non Trí Đức, Trường liên cấp Albert
Enstein, đều hướng tới trường song ngữ mang đẳng cấp quốc tế và được nhân dân Hà Tĩnh tin tưởng, lựa chọn” - anh Hùng chia sẻ.
Đến ngôi trường đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế
Trên khuôn viên 3,3 ha ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein đạt chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất. Hệ thống phòng học được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ dạy học; các phòng chức năng đa dạng; khu vui chơi, rèn luyện thể thao ngoài trời với các loại hình phong phú dưới thảm cây xanh...
Đối với phụ huynh, ấn tượng về một ngôi trường thiết kế hiện đại mà thân thiện là điểm đầu tiên họ cảm thấy yên tâm khi gửi gắm con em mình cho nhà trường. Chị Nguyễn Thị Liễu (phường Trần Phú) chia sẻ: "Điều khiến tôi hài lòng là môi trường học tập rất hiện đại, thân thiện, an toàn. Bên cạnh đó là chương trình học phong phú với nhiều hoạt động thực tiễn giúp con trang bị những kỹ năng cần thiết của cuộc sống".
Theo anh Nguyễn Viết Hùng, trường tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhà trường đã thiết kế chương trình giáo dục định hướng song ngữ với các nội dung phong phú nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện. Trong đó, chương trình giáo dục tiểu học chuẩn đảm bảo kiến thức, kỹ năng theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình nâng cao được chuyển giao từ Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - ngôi trường tư thục có uy tín hàng đầu của ngành Giáo dục cả nước.
Chương trình tiếng Anh được xây dựng theo các tiêu chí đầu ra của Cambridge English với thời lượng 10 - 14 tiết/tuần, trong đó 35% do giáo viên bản xứ giảng dạy và các chương trình hoạt động tiếng Anh ngoài lớp học. Ngoài ra, trường còn tổ chức dạy một số môn học cơ bản như Toán (Maths) và Khoa học (Science) bằng tiếng Anh nhằm giúp trẻ có được những khái niệm cơ bản về toán tiểu học và khoa học bằng ngôn ngữ Anh. Kết thúc chương trình tiểu học, học sinh sẽ đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh tương đương cấp độ KET (A2+).
Chương trình kỹ năng sống được đặc biệt chú trọng với các hoạt động ngoại khóa đa dạng giúp học sinh phát triển những kỹ năng cần thiết để đương đầu và giải quyết hiệu quả những thử thách của cuộc sống.
Cùng với các chương trình giáo dục chính, hoạt động ngoại khóa được lồng ghép với các hình thức trải nghiệm, khám phá, Trường Albert Einstein hướng tới mục tiêu phát triển và nuôi dưỡng các giá trị cốt lõi của các chủ nhân tương lai, gồm: Yêu thương, sáng tạo, chính trực, tự tin, tôn trọng, đam mê, tinh thần đồng đội và tự hào dân tộc.
“Triển khai xây dựng mô hình trường học tiêu chuẩn quốc tế ở vùng đất học, bên cạnh tìm tòi, áp dụng những chương trình giáo dục ở các nước tiên tiến, một điều tâm huyết là các chương trình phải dành sự ưu tiên phát triển chất lượng mũi nhọn để tiếp tục giữ vững thương hiệu đất học Hà Tĩnh. Từ đây, nhà trường thu hút được đội ngũ quản lý là những nhà giáo có trình độ cao, được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến. Đội ngũ giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng với tiêu chí: Trình độ, tâm huyết, tình yêu thương và giàu sáng tạo” - anh Hùng cho biết.
Tìm nhân tài để đào tạo nghề
Anh Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường liên cấp Albert Enstein ký hợp đồng đào tạo nghề với hai sinh viên sư phạm |
Vào thời điểm mà giáo dục nói chung, ngành sư phạm nói riêng đang vô cùng rối ren khi tìm những giáo viên giỏi ra trường đầu cơ cho giáo dục. Hầu hết các em tốt nghiệp cấp 3 không còn mặn mà lựa chọn học sư phạm, bởi khi ra trường không biết đi về đâu?
Với tình trạng này, tìm người “thầy” giỏi trong giáo dục sẽ manh mún, mất dần. Thiết nghĩ phải có một chiến lược lâu dài, hoạch định cụ thể, anh Nguyễn Viết Hùng, người đứng đầu ngôi trường đã nghĩ ra chương trình đào tạo nghề cho sinh viên học sư phạm, sau khi ra trường sẽ về dạy tại trường.
Năm học 2018 - 2019, Trường liên cấp Albert Enstein đã chính thức ký kết hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực với em Trần Thùy Dung (học sinh Trường PTTH Phan Đình Phùng trúng tuyển vào ĐHQG Hà Nội khoa Tiếng Anh) và em Nguyễn Thị Anh (học sinh Trường PTTH Kỳ Anh trúng tuyển vào ĐHSP Hà Nội khoa Tiếng Anh tiểu học).
Hai sinh viên xuất sắc vừa tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia với điểm thi là 23,5 điểm và 25,5 điểm. Theo đó, một năm 30 triệu đồng, 4 năm 120 triệu mỗi em, tốt nghiệp xong cam kết về giảng dạy trực tiếp tại trường với thời gian tối thiểu 8 năm.
Anh Nguyễn Viết Hùng (bên trái) trong một cuộc phỏng vấn với PV Báo GD&TĐ |
Khi được hỏi, do đâu mà anh có ý tưởng đó. Anh Hùng trả lời, do nguồn giáo viên trẻ có năng lực, có lòng nhiệt huyết với nghề đang cực kỳ khan hiếm, tuyển không ra. Từ đó, anh và các tuyển trạch viên đã đích thân đến tận các trường THPT khi các em đang còn ngồi trên ghế nhà trường để sàng lọc, động viên, tuyển chọn. Đặc biệt chú ý, ưu tiên các học sinh con nhà khó khăn học giỏi, yêu nghề sư phạm, yêu trẻ con...
“Chúng tôi không dừng tại đây, mỗi năm như vậy nhà trường vẫn tiếp tục tuyển chọn từ 5 đến 7 em xuất sắc để đào tạo, đáp ứng cho nguồn nhân lực lâu dài. Học sinh Trường Chuyên Hà Tĩnh và sinh viên Hà Tĩnh có thành tích học tập tốt tại các trường đại học nếu muốn lựa chọn gắn bó với nhà trường trong tương lai, có thể nhận suất học bổng 3 triệu đồng/tháng và mức lương cam kết gấp 3 lần lương của giáo viên mới ra trường hệ công lập hiện nay. Nếu các em thực sự đam mê biết đâu một ngày nào đó các em sẽ là một giáo viên xuất sắc của ngôi trường mang tên Albert Anstein” - anh Nguyễn Viết Hùng nói.