Cuộc sống đảo lộn
Đứng xem giải cứu những chiếc ô tô đắt tiền bị nhấn chìm dưới tầng hầm của tòa chung cư Hoàng Anh Gia Lai, cụ Ngô Văn Ngân (76 tuổi) cứ liên tục thở dài than thở: Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh tượng Đà Nẵng ngập chìm trong biển nước. Hầu như tất cả các ngã đường của trung tâm thành phố đều bị ngập, hàng trăm điểm thấp trũng có nơi nước ngập đến quá đầu người. Nhiều hộ gia đình phó mặc nhà cửa, tài sản cho trời đất để đưa con cái đến nơi cao ráo...
Anh Nguyễn Trường Trung - trú tại kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) cho biết, trận mưa lớn xuyên đêm hôm 9/12 khiến căn phòng ở của vợ chồng anh ngập sâu hơn 1,4m. Không còn cách nào, vợ chồng anh phải bỏ lại toàn bộ tài sản tìm chỗ trú giữa đêm khuya. Ngày hôm sau, hai vợ chồng lục tục quay về nhà dọn dẹp thì trời lại đổ mưa to. Nước dâng cao làm đồ đạc trong nhà xáo trộn trở lại. Nhìn hai chiếc xe máy, phương tiện đi làm hàng ngày của vợ chồng chìm sâu trong dòng nước, vợ anh Trung rơm rớm nước mắt: Không biết ông trời còn làm khổ người dân Đà Nẵng đến bao giờ?
Tại khu vực đường Lê Thanh Nghị, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Núi Thành, Phan Đăng Lưu… nơi có rất đông sinh viên của các trường Đông Á, Kiến Trúc, Phương Đông trọ học, chúng tôi nghe được nhiều lời thở ngắn, than dài của các bạn xa nhà. Một bạn thuê trọ ngay sau lưng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, đa số nhà trọ sinh viên xây cấp 4, rất tạm bợ. Mỗi phòng chỉ đủ để 1 hoặc 2 người ở, vì vậy mà sách vở, tư trang, bếp núc… tất tần tật chỉ gói ghém trong mấy mét vuông. Đêm 9/12, khi nước bất ngờ tràn vào nhà rồi dâng cao rất nhanh khiến tất cả sinh viên trong khu nhà trọ hoảng loạn. Í ới gọi nhau chạy lụt, nhưng cũng không ít sách vở, áo quần, vật dụng ướt sũng nước.
Đến chiều ngày 10/12, nước gần như đã rút hết, nhưng ngoài trời vẫn mưa rất to, nhiều sinh viên phải cùng với chủ khu trọ dọn dẹp rác, sắp xếp lại vài thứ vật dụng còn khô ráo để ổn định cuộc sống và tiếp tục đến trường.
|
Khu Chợ Mới (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) nằm trên trục đường Hoàng Diệu - Trưng Nữ Vương - Lê Đình Thám là nơi buôn bán, mua sắm thường ngày dành cho dân cư các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường, Bình Hiên, Nam Dương… Cầm trên tay bó rau mùng tơi vừa mới mua, một bà cụ lắc đầu: “Ngày thường bó rau này khoảng 7.000 - 8.000 đồng, nhưng nay giá là 17.000 đồng. Rau muống cũng tăng lên 20.000 một bó. Rau cải tăng mạnh nhất, mỗi bó tới 25.000 đồng”.
Không chỉ các loại rau tăng giá gấp nhiều lần, các loại thịt, cá cũng leo thang. Chị Nguyễn Thị Út (trú tại phường Bình Hiên) bức xúc: Trời mới mưa gió 2 - 3 ngày mà giá cả các mặt hàng lại đua nhau tăng giá. Ngày thường 1 cân thịt heo chỉ 70 nghìn đồng, nay lại tăng lên 100.000 đồng. Cá đục từ 50.000 đồng/kg, nay lên 90.000 đồng/kg. Cuộc sống của lao động phổ thông như chúng tôi vốn đã khó khăn, nay càng thêm chật vật.
Nỗ lực giúp dân ổn định cuộc sống
So với các khu vực khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều điểm dân cư tại khu vực đường Ham Nghi, Phan Thanh đến sáng ngày 10/12 vẫn còn bị ngập nước. Tại khu tầng hầm chung cư Hoàng Anh Gia Lai (trên đường Hàm Nghi, quận Thanh Khê) nước vẫn ngập khá sâu. Nhiều ô tô, xe máy của cư dân chìm sâu trong nước. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP Đà Nẵng) phối hợp với Ban quản lý chung cư Hoàng Anh Gia Lai đang khẩn trương bơm nước, di dời xe máy, ô tô ra khỏi tầng hầm. Tuy nhiên, do lượng nước dưới tầng hầm lên đến hàng chục nghìn m3, nên dù các máy bơm đang hoạt động hết công suất nhưng nước rút khá chậm.
|
Theo ghi nhận, nước đã rút khỏi các khu vực dân cư (trừ các khu có tầng hầm), các tuyến đường ngập sâu nhất thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên, mưa lớn vẫn tiếp diễn. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn cho học sinh nghỉ học. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cùng các cơ quan chức năng đã khẩn trương đề ra các giải pháp, chỉ đạo các chính quyền quận/huyện, phường/xã triển khai các biện pháp phòng tránh, khắc phục mưa lụt, giúp dân ổn định cuộc sống. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải bố trí nhân lực, phương tiện khơi thông các cửa thu nước trên mặt đường, các tuyến cống chính, tiếp tục vận hành các cửa xả ven biển, ven sông, trạm bơm (cửa xả Mỹ An, trạm bơm Thuận Phước, trạm bơm Trương Chí Cương...), góp phần hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực.
Theo ông Phạm Văn Chiến - Phó Tổng Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, khả năng mưa vẫn còn kéo dài trong 2 - 3 ngày tới và chưa có khả năng giảm hẳn. Đến ngày 12/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống nên mưa lớn vẫn còn duy trì.
Để ứng phó với tình hình mưa lớn và ngập úng trong đô thị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Chủ tịch UBND các quận/huyện khẩn trương huy động các lực lượng tại địa phương triển khai ngay phương án chống ngập lụt, gia cố các công trình xây dựng để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do ngập lụt gây ra. Các đơn vị: Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cùng các địa phương theo dõi, duy trì các biện pháp thoát nước; đồng thời, tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố.