Người chiến sĩ dấn thân cho giáo dục

Người chiến sĩ dấn thân cho giáo dục

Kỳ 2: Tiên phong với những triết lý giáo dục mới mẻ

(GD&TĐ) - Là quân nhân nhưng khi bước chân vào ngành Giáo dục, Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy đã nhanh chóng đặt nền móng vững chắc cho giáo dục Đại học. Chỉ 8 tháng trời “phôi thai”, ĐH Bách khoa đã ra đời.

->> Kỳ 1: Gác bút nghiên theo cách mạng
->> Nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH&THCN Hoàng Xuân Tùy từ trần 
GS Hoàng Xuân Tùy
GS Hoàng Xuân Tùy

Sự sáng suốt của người đi tiên phong

Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ mới: Xây dựng và quản lý Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Xuân Tùy đã phải đối mặt với một núi công việc. Nhận chỉ đạo từ Bộ Chính trị giao phó, ông rất tự hào nhưng cũng không kém phần lo lắng. Bởi lẽ, ông phải làm sao trong vòng 8 tháng (từ tháng 2 - 10/1956) phải khai giảng được khóa học đầu tiên, trong khi điều kiện trường lớp không có gì; GV chưa có ai ngoài 4 người: Đồng chí Hồ Quốc An, một kỹ sư lâm nghiệp thạo tiếng Trung; đồng chí Nguyễn Bá Hưng, tốt nghiệp khoa Nga văn ở Liên Xô; anh Nguyễn Ngọc Ngoạn, tốt nghiệp THPT, làm thư ký và ông.

Khó khăn nhiều, nhưng ông  cấp tốc xin Bộ Giáo dục cấp đất, mở trường. Ông kế thừa được nhiều kinh nghiệm xây dựng nguồn lực cán bộ kinh nghiệm giảng dạy và quản lý giáo dục ĐH của Liên Xô. Vì thế, ông Hoàng Xuân Tùy đã có một quyết định táo bạo là không để đội ngũ GV Liên Xô trực tiếp dạy SV mà dạy cho đội ngũ GV Việt Nam, rồi GV Việt Nam mới dạy lại cho SV. Qua sự sắp xếp khoa học, đội ngũ GV Việt Nam trưởng thành rất nhanh chóng về chất và số lượng.

Về phía SV, ông xây dựng cho nhà trường khẩu hiệu: “Tất cả vì sinh viên thân yêu” đồng thời thực hiện công tác dân vận, tạo sự gắn kết giữa SV và nhà trường ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh. Tháng 10/1956, trường đã đi vào ổn định với bộ máy quản lý với Hiệu trưởng là đồng chí Tạ Quang Bửu - kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó chủ nhiệm ủy ban Khoa học Nhà nước. Ngay lập tức  ông đã đề xuất chọn lựa những SV giỏi năm 2 và 3 để gửi sang Liên Xô tạo cán bộ nguồn. Được sự nhất trí cao của Ban Giám hiệu, Đảng ủy, trường đã tuyển chọn và cử 200 SV qua Liên Xô học tu nghiệp. Chỉ sau 2 năm, đội ngũ SV trên đã trở thành nguồn GV chủ lực của trường.

Năm 1958, Ban bí thư đã quyết định bổ nhiệm ông làm Hiệu phó nhà trường.

Thời gian này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có một quyết định táo bạo là nghỉ học trong 2 tháng, toàn bộ thầy và trò lao động ở công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Đồng chí Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu cũng đến công trường lao động cùng thầy và trò. Chính phương pháp giáo dục trên đã tạo một chuyển biến rất lớn trong nhận thức của thầy và trò trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo

Năm 1961, 631 SV khóa 1 đã chính thức tốt nghiệp, ông Hoàng Xuân Tùy cũng được bổ nhiệm Hiệu trưởng. Từ đây, ông cùng tập thể nhà trường không ngừng đưa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển. Sau 10 năm “khai sinh” Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà giáo, Hoàng Xuân Tùy nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ ĐH&THCN  vào tháng 10/1965.

Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN, đồng chí Tạ Quang Bửu đã giao cho ông đảm trách và quản lý một loạt công việc như: Phụ trách Hợp tác quốc tế, Kế hoạch tài vụ, Quản lý học sinh, sinh viên, Đào tạo tại chức, Huấn luyện quân sự, Giáo dục thể chất, Xây dựng cơ bản. Dù đảm trách rất nhiều đầu công việc như vậy nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình suốt nhiều năm liền. Với  triết lý giáo dục tân tiến (học ĐH không cứ phải đến trường) nên từ năm 1965 - 1972 là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, sự phát triển của ngành giáo dục, đặc biệt là bậc ĐH vẫn không ngừng. Hàng loạt trường ĐH lớn được xây dựng và thành lập; 3.000 SV sang các nước XHCN để học tập.

Trong hàng loạt vấn đề ông quản lý, ông đặc biệt quan tâm đến đào tạo tại chức. Bởi theo ông, sau hòa bình, nhu cầu đi học và được học của người dân rất lớn. Trong khi trước đó giai đoạn chiến tranh không có nhiều trường và loại hình giáo dục đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Do đó, ông đặc biệt chú trọng đưa ra các ý tưởng, mô hình mới nhằm kiện toàn mạng lưới phát triển giáo dục ĐH nước nhà. Ông  yêu cầu các tỉnh thành cần phải sớm có được hệ thống GDTX, hệ vừa học vừa làm để cho các đối tượng khó khăn vẫn có thể theo học. Đồng thời ông kêu gọi, đẩy mạnh việc xây dựng phong trào thi đua học tập tại các trường ĐH; tạo cơ chế để các trường tận dụng tốt nhất nguồn chất xám; kêu gọi đầu tư, hợp tác, viện trợ không hoàn lại từ các nước XHCN (thông qua ký hợp tác, mời gọi thỉnh giảng).

Từ tầm nhìn khoa học, sáng tạo mà trong suốt 24 năm làm nhiệm vụ quản lý - Thứ trưởng Bộ ĐH&THCN Hoàng Xuân Tùy đã có đóng góp không nhỏ cho sự định hình và phát triển chung của toàn ngành Giáo dục nói chung, bậc ĐH nói riêng. Nhìn nhận và đánh giá về những cống hiến của ông nhiều hiệu trưởng nhiệm kỳ sau của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội như: Đồng chí Hoàng Văn Phong, đồng chí Hoàng Bá Chư  đều cho rằng: Đồng chí Hoàng Xuân Tùy không chỉ là người có tâm, có tầm, mà còn là một nhân sỹ, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong sự phát triển chung của ngành Giáo dục.

                          Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ