Ngủ ở… 2 quốc gia

GD&TĐ - Khách sạn Arbez Franco-Suisse (L’Arbézie) nằm ở ngôi làng nhỏ La Cure, nép mình trên đỉnh dãy núi Jura với rừng rậm, ngăn cách Pháp và Thụy Sĩ.

Khách sạn Arbez Franco-Suisse. Ảnh: CNN
Khách sạn Arbez Franco-Suisse. Ảnh: CNN

Được xây dựng theo phong cách mộc mạc, khách sạn nhỏ do gia đình tự quản này nằm ngay bên trên đường biên giới quốc tế nên khi dừng chân ở đây du khách có thể ngủ ở… 2 quốc gia.

Sự thiết lập bất thường này là hệ quả ngoài ý muốn của Hiệp ước Dappes năm 1862. Theo đó, Pháp và Thụy Sĩ đã nhất trí về một cuộc hoán đổi lãnh thổ nhỏ, nhằm cho phép Pháp kiểm soát hoàn toàn một con đường chiến lược gần đó.

Một điều khoản đã được đưa ra trong hiệp ước cho phép giữ nguyên bất kỳ tòa nhà nào dọc theo biên giới. Theo đó, một doanh nhân địa phương đã mở một cửa hàng và một quán bar, để tận dụng lợi thế của thương mại xuyên biên giới. Sau đó, năm 1921, khách sạn trên đã mọc lên.

Kết quả là khoảng một nửa khách sạn ở Pháp và nửa còn lại ở Thụy Sĩ, với đường biên giới quốc tế chia đôi nhà hàng và một số phòng.

Phóng viên Miquel Ros của Đài Truyền hình CNN đã được chỉ định ở một trong những căn phòng nằm trên 2 quốc gia. Tại đây, sự phân chia quốc tế vô hình chạy xuyên qua phòng tắm và giường ngủ. Điều này có nghĩa là khi khách nằm ngủ đầu ở Thụy Sĩ và chân ở Pháp.

Nhìn ra từ cửa sổ và chỉ cách vài thước là hai đồn biên phòng, đồn Thụy Sĩ ở bên phải, đồn Pháp xa hơn một chút ở bên trái. Khách sạn Arbez nằm trên một khu đất hình tam giác giữa hai đồn biên phòng này.

Những câu chuyện độc đáo

Căn phòng có giường nằm ở cả Thụy Sĩ và Pháp. Ảnh: CNN

Căn phòng có giường nằm ở cả Thụy Sĩ và Pháp. Ảnh: CNN

Từ Thế chiến đến đại dịch Covid-19 gần đây, vị trí độc tôn của khách sạn là nguồn vô tận của những tình huống và câu chuyện gây tò mò. Điều này cũng được phản ánh trong một số đồ đạc.

Ông Alexandre Peyron là quản lý khách sạn do gia đình ông điều hành qua nhiều thế hệ cho biết, gương và cửa sổ không chỉ là một yếu tố trang trí, mà còn là biểu tượng của sự kết nối những thế giới liền kề nhau. Đặc biệt, một phòng có toàn bộ diện tích ở Thụy Sĩ, song bức tường lại ở Pháp.

Việc lựa chọn thực phẩm ở đây gặp nhiều rắc rối về… pháp lý. Nếu một người ngồi bên phía nước Pháp trong nhà hàng thì sẽ không thể gọi món phô mai Thụy Sĩ tomme Vaudoise vì nó không thể được mang sang phía Pháp do các quy định nghiêm ngặt về các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng.

Ngược lại, điều tương tự cũng xảy ra với một số đặc sản của Pháp, chẳng hạn như saucisse de Morteau, một loại xúc xích không được phép phân phối ở Thụy Sĩ.

Việc thanh toán có thể sẽ dễ dàng hơn khi cả euro và franc Thụy Sĩ đều được chấp nhận ở đây. Tương tự như vậy, khách sạn có 2 số điện thoại, mỗi quốc gia có một số các phòng được trang bị 2 loại ổ cắm điện, vì Pháp và Thụy Sĩ sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau.

Thuế kinh doanh của khách sạn được trả cho cả 2 quốc gia, theo một công thức tỷ lệ cụ thể, với sự đồng ý của cơ quan thuế của cả 2 nước.

Khi Thụy Sĩ gia nhập khu vực tự do di chuyển Schengen vào năm 2008, mọi thứ trở nên đơn giản hơn một chút. Tuy nhiên, trên thực tế, nó có rất ít tác dụng đối với hoạt động hằng ngày của khách sạn.

Địa điểm bí mật

Trong Thế chiến II, quân Đức chiếm tầng trệt của khách sạn nhưng không thể lên cầu thang vì nó nằm một phần trên lãnh thổ Thụy Sĩ.

Trong Thế chiến II, quân Đức chiếm tầng trệt của khách sạn nhưng không thể lên cầu thang vì nó nằm một phần trên lãnh thổ Thụy Sĩ.

Vào đầu những năm 1960, khách sạn Arbez là nơi diễn ra các cuộc đàm phán bí mật dẫn đến việc Algeria giành được độc lập từ Pháp vào năm 1962.

Lo sợ bị bắt, các nhà đàm phán Algeria không muốn đặt chân lên đất Pháp, trong khi chính quyền Pháp muốn tiến hành các cuộc đàm phán một cách kín đáo trong biên giới của họ. Một phòng riêng tại khách sạn Arbez là giải pháp lý tưởng.

Tình trạng đặc biệt của khách sạn đôi khi cũng có thể được sử dụng bởi những người có ý định kém thiện chí hơn. Đầu năm 2002, không lâu sau sự kiện khủng bố 11/9 ở Mỹ, ông Peyron cho biết, đặc vụ của một cơ quan an ninh đã bí mật đến khách sạn để điều tra khả năng một thành viên Al Qaeda có thể đã sử dụng thời gian lưu trú của mình để vượt biên mà không bị phát hiện.

Gần đây hơn, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, khách sạn Arbez lại tiếp tục đứng ở tuyến đầu. Giống như phần còn lại của ngành du lịch, khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề, mặc dù nó đã cố gắng duy trì hoạt động trong một thời gian để cung cấp chỗ ở cho nhân viên vệ sinh.

Tuy nhiên, các nhà quản lý khách sạn cũng phải đối phó với sự phức tạp của các quy định hạn chế chống dịch khác nhau và liên tục thay đổi của 2 nước.

Mặc dù lệnh cách ly và yêu cầu ở nhà dần dần được nới lỏng, nhưng biên giới vẫn đóng cửa lâu hơn một chút. Do từ cả Thụy Sĩ và Pháp đều có thể đến được Arbez trong thời gian này, khách sạn đã cung cấp một nơi trú ẩn cho các cặp đôi bị mắc kẹt ở cả 2 nước.

Ông Peyron tiếp tục chia sẻ những điều này trong khi giới thiệu khách sạn của mình và đi qua khoảng sân nhỏ đóng vai trò như một sự kết nối giữa phía Pháp và Thụy Sĩ của tòa nhà.

Tại đây có mốc đánh dấu bằng đá từ năm 1863. Một bên mốc trên là biểu tượng đại bàng của Đế chế Pháp thứ hai (khi Pháp được cai trị bởi Napoléon III), trong khi đó bên kia chỉ được viết đơn giản là “Vaud” - một bang của Thụy Sĩ.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mua nệm foam vua nệm chính hãngBảng giá đệm Dunlopillo