'Ngọn lửa vĩnh cửu' cháy mãi?

GD&TĐ - Theo các nhà khoa học, ngọn lửa vĩnh cửu là kết quả của quá trình rò rỉ khí đốt tự nhiên, chủ yếu là mêtan, etan và propan...

Ngọn lửa vĩnh cửu dưới chân thác nước tại Công viên Hạt Chestnut Ridge, New York, Mỹ.
Ngọn lửa vĩnh cửu dưới chân thác nước tại Công viên Hạt Chestnut Ridge, New York, Mỹ.

Ngọn lửa vĩnh cửu là hiện tượng tự nhiên kỳ bí đã thu hút sự chú ý của con người qua hàng nghìn năm, bởi nó còn mang theo những câu chuyện phong phú về văn hóa, tôn giáo và thiên nhiên.

Câu chuyện về văn hóa

Theo các nhà khoa học, ngọn lửa vĩnh cửu là kết quả của quá trình rò rỉ khí đốt tự nhiên, chủ yếu là mêtan, etan và propan, từ các hồ chứa dưới lòng đất qua những vết nứt trong đá.

Khi các khí này thoát lên bề mặt và nồng độ mêtan đủ cao, chúng có thể tự cháy do tác động của yếu tố môi trường. Được tiếp nhiên liệu từ nguồn phát thải khí gas liên tục, một số ngọn lửa có thể cháy suốt hàng nghìn năm nên có tên gọi là “ngọn lửa vĩnh cửu”.

Ông Giuseppe Etiope - nhà địa chất học tại Viện Địa vật lý và Núi lửa quốc gia ở Rome cho biết: “Ngọn lửa vĩnh cửu giống như một dấu hiệu cho thấy có sự phát thải khí tự nhiên mạnh mẽ từ dưới lòng đất. Những ngọn lửa này không phải lúc nào cũng ổn định, nhưng nhiều trong số chúng có thể tự cháy lại sau khi bị dập tắt bởi mưa hoặc các yếu tố tự nhiên khác”.

Một trong những ngọn lửa vĩnh cửu nổi tiếng nhất là ở Công viên Hạt Chestnut Ridge, New York (Mỹ), nơi ngọn lửa nhỏ sáng lên từ phía sau một thác nước cao khoảng 10 mét. Ngọn lửa này có thể cháy liên tục dù đôi khi bị nước dập tắt tạm thời và được mệnh danh là ngọn lửa vĩnh cửu đẹp nhất từng được khám phá.

Ngọn lửa vĩnh cửu không chỉ là một hiện tượng tự nhiên, mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tôn giáo. Ở Azerbaijan, ngọn lửa Yanardag trên sườn đồi gần Baku là một biểu tượng linh thiêng trong tôn giáo Zoroastrian. Lửa được coi là biểu tượng của sự tinh khiết và thần thánh. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngọn lửa Chimaera được gắn liền với truyền thuyết Hy Lạp về quái vật Chimaera, có thể đã là nơi ngọn lửa Olympic đầu tiên được thắp lên.

Một ngọn lửa đặc biệt khác là Baba Gurgur ở Iraq, nơi khí đốt tự nhiên đã cháy liên tục trong hàng nghìn năm. Theo truyền thuyết, ngọn lửa này có thể là “lò lửa” mà Vua Nebuchadnezzar đã sử dụng để thử thách ba người Do Thái trong Cựu Ước. Ngọn lửa này được ước tính đã cháy suốt hơn 4 nghìn năm, làm sống lại những câu chuyện tôn giáo và văn hóa cổ đại.

ngon-lua-vinh-cuu-chay-mai-2.jpg
Hố lửa vĩnh cửu Darvaza tại Turkmenistan có thể cháy hàng nghìn năm.

Tác động đến thiên nhiên

Mặc dù, tên gọi của những ngọn lửa này gợi lên sự vĩnh cửu, nhưng thực tế chúng có thể bị dập tắt bởi những yếu tố như mưa lớn hoặc thay đổi điều kiện môi trường. Tuy nhiên, một khi nguồn khí tự nhiên vẫn còn, chúng có thể tiếp tục cháy lại. Việc khoan khí để khai thác nguồn tài nguyên dưới lòng đất có thể làm giảm áp suất trong các hồ chứa, từ đó “giết chết” ngọn lửa vĩnh cửu này.

Tại Chestnut Ridge, nước bắn tung tóe vào hang động nhỏ có thể dập tắt ngọn lửa. Ông Arndt Schimmelmann - nhà khoa học Trái đất ở Đại học Indiana, mô tả: “Đốt lại ngọn lửa mà không bị nước từ thác làm ướt sũng luôn là thách thức lớn.

Bản thân tôi đã làm vậy vài lần khi lấy mẫu khí gas để phân tích địa hóa học nhưng đều không khả thi”. Trên thực tế, ngọn lửa này có thể biến mất do xói mòn tự nhiên khi thác nước rút đi. Mất đi sự che chắn của hang động sẽ khiến ngọn lửa tắt thường xuyên dù dòng khí gas không bị gián đoạn.

Đặc biệt, những ngọn lửa này không hề vô hại đối với môi trường. Chúng giải phóng khí mêtan, một khí nhà kính nguy hiểm, và các chất ô nhiễm như etan và propan vào khí quyển.

Ngọn lửa ở Chestnut Ridge, thải ra khoảng một kg khí mêtan mỗi ngày. Tuy nhiên, do số lượng nhỏ ngọn lửa vĩnh cửu trên thế giới, tác động của chúng đối với biến đổi khí hậu không lớn so với các nguồn phát thải công nghiệp. Một khi những ngọn lửa này bị tắt do khoan khí hoặc thay đổi tự nhiên, chúng sẽ không còn tiếp tục tạo ra khí thải.

Ngọn lửa vĩnh cửu là những hiện tượng tự nhiên đầy bí ẩn và thú vị, mang lại cái nhìn sâu sắc về những quá trình địa chất dưới lòng đất. Chúng góp phần làm phong phú thêm tầng địa chất Trái đất. Mặc dù không tồn tại vĩnh viễn, những ngọn lửa này vẫn là minh chứng sống động về sự kỳ diệu của tự nhiên và sự tương tác giữa con người, thiên nhiên và văn hóa qua các thế kỷ.

Các nhà khoa học ước tính có gần 50 ngọn lửa vĩnh cửu trên toàn cầu, thường được tìm thấy gần giếng dầu. Chúng tồn tại ở các nước bao gồm Mỹ, Romania, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Azerbaijan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Ấn Độ và Australia. Một số có thể đã phát triển hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn năm, thậm chí cách đây một triệu năm.

Theo National Geographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

GD&TĐ - Marcus Rashford trở thành tâm điểm cho thỏa thuận trao đổi kinh ngạc liên quan đến tiền đạo Victor Osimhen của Napoli.