Ngọn lửa trên đỉnh Tà Xi Láng

Ngọn lửa trên đỉnh Tà Xi Láng

(GD&TĐ) - Tà Xi Láng (tiếng H’Mông có nghĩa là “Bãi cây đa”) là đất định cư của hơn 5000 khẩu người Mông. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái), qua những đoạn đường dốc núi cao sừng sững, vực sâu thăm thẳm, sương mù đặc quánh, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Tà Xi Láng. Nằm vắt vẻo trên đỉnh Tà Cao- “Vương quốc” của gỗ pơmu, Tà Xi Láng nằm lọt thỏm dưới hẻm núi và những vạt rừng xanh thẳm. Từ lâu trên đỉnh trời này, chuyện dạy chữ và học chữ của thầy và trò có bao điều khó nói thành lời…

Nằm ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, Tà Xi Láng có diện tích 9000 ha, xã gồm 5 bản là Tà Cao, Xá Nhù, Chống Chùa, Làng Mảnh, Lã Tà. Từ bao đời nay, người Mông ăn đời ở kiếp với mảnh đất đầy khắc nghiệt này. Theo ông Hờ A Tu- Chủ tịch UBND xã thì Tà Xi Láng trước đây cũng như hiện nay là một trong những xã nghèo và khó khăn nhất của huyện vùng cao Trạm Tấu. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng chăn nuôi và chồng ngô còn lúa thì chủ yếu trồng lúa nương chứ ruộng nước ở đây khan hiếm lắm. Mọi dịch vụ của Tà Xi Láng thật nghèo nàn. Điện chưa có, trường còn tạm bợ, chỉ có trạm y tế là mới được xây dựng khang trang.

Thật vậy, Tà Xi Láng hiện ra trước mắt chúng tôi đúng như lời kể của ông chủ tịch xã. Khu trung tâm nhất của xã chỉ là khu “liên hợp” gồm trạm y tế, bưu điện, trường học và trụ sở của UBND xã. Còn nhà của người Mông nằm rải rác trên sườn núi Tà Cao. Những căn nhà đất lợp mái gỗ đã đen mốc từ bao lâu vẫn leo lét trong đèn dầu và tù mù bóng điện mi ni từ dưới suối lên. Do trình độ canh tác còn lạc hậu nên việc thiếu ăn từ 1-2 tháng vào dịp giáp hạt đối với người Mông ở Tà Xi Láng là chuyện bình thường. Khí hậu ở đây khắc nghiệt hơn những vùng núi cao khác, mùa đông, có ngày nhiệt độ xuống tới 1 độ. Điều đó khiến cho cây ngô, cây sắn của người Mông khó lòng sinh trưởng tốt được. Cách đây 10 năm, Tà Xi Láng nổi tiếng là “lãnh địa” của gỗ quý pơmu nhưng giờ đây, do chặt phá nhiều nên số cây pơmu cổ thụ chỉ là lác đác trên những khu rừng già. 

Giờ chơi của HS Tà Xi Láng. Ảnh: M.Tâm
Giờ chơi của HS Tà Xi Láng. Ảnh: M.Tâm

Những năm trước đây, Tà Xi Láng như một thế giới khác. Thầy cô nào được phân công lên đây nhận công tác cũng thấy sợ và chán nản bởi Tà Xi Láng quá khó khăn dù có tâm huyết và yêu nghề đến mấy. Theo các thầy cô giáo ở Tà Xi Láng thì lên công tác ở đỉnh Tà Cao mờ sương này chủ yếu là các thầy giáo. Còn các cô giáo thì ít lắm bởi nếu lên đây dạy học họ sẽ gặp phải nguy cơ “ế chồng”. Các thầy tuy cũng “ế vợ” nhưng làm sao có thể bỏ mặc bọn trẻ Mông nơi đỉnh trời này được. 

Ở Tà Xi Láng, cả thầy và trò đều chung tay đối mặt với những khó khăn thiếu thốn. Phòng ở của các thầy chật hẹp, phải ngủ chung giường và vào mùa khô, các thầy cô phải đi bộ 3-4 cây số lấy nước về sinh hoạt. Còn thức ăn hàng ngày chủ yếu là lạc, cá khô dự trữ hàng tháng trời. Vào mùa mưa, Tà Xi Láng có đến hàng tuần bị biệt lập với huyện bởi đường lên núi lầy thục, sạt đất, người và xe không qua được. 

Tại các điểm trường và cả điểm trường trung tâm, bữa ăn của bọn trẻ còn khó khăn lắm. Thức ăn của các em chủ yếu là rau xanh, có bữa được cải thiện thêm con cá suối. Vậy mà bọn trẻ ở đây ăn vẫn ngon và vẫn đều đặn đến trường. Nhưng thiếu thốn hơn cả ở Tà Xi Láng vẫn là phòng ở cho học sinh bán trú. Vì thiếu phòng cho nên nhà trường đành sáng tạo ra phòng đa chức năng cho học sinh nhỏ. Buổi sáng phòng để dạy- học, buổi trưa và buổi tối, các em dùng luôn phòng đó để ngủ nghỉ và ăn cơm. Và tất nhiên là bàn học sẽ được ghép lại làm giường ngủ. Có lẽ khó tin được khi đến thời điểm này, trên đất nước ta vẫn còn những trường học khó khăn đến như thế. 

Phân hiệu trường Chống Chùa là điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất. Ở đây, độ cao của Chống Chùa tới 1.600 m so với mực nước biển do vậy khí hậu giống hệt như Sa Pa của Lào Cai, quanh năm mây mù bao phủ. Có ngày nhiệt độ xuống tới 5 độ, lạnh thấu xương. Theo lời kể của dân bản, có những năm lạnh quá, trâu và ngựa chết rét nhiều. Vậy mà ở điểm trường này, những đứa trẻ với quần áo mỏng, chân không giầy, không tất, đầu không mũ ấm vẫn vượt sương, vượt dốc đến trường học chữ. Có những ngày mưa rét, thầy cô phải đốt đống lửa ở sân trường để các em đến sưởi ấm cơ thể trước khi vào lớp. 

Tà Xi Láng không có điện lưới, chỉ có bóng đèn lập lòe từ nguồn thủy điện mi ni do người dân tự chế cộng với địa hình hiểm trở nên sóng điện thoại khó lòng đến được. Đứng trên các điểm trường và trung tâm xã, chỉ có đôi chỗ là bắt được sóng điện thoại và nếu muốn truy cập mạng, các thầy cô phải dùng Dcom3G. Ở đây, các thầy cô giáo đã nhớ rõ và đánh dấu chỗ vách phòng, gốc cây hay sân trường nơi có thể bắt được sóng để mỗi khi liên lạc với cấp trên, gọi về gia đình là có thể dò được nguồn liên lạc. Chuyện vui nhưng đó là một thực tế ở Tà Xi Láng khi mà công nghệ thông tin phát triển rộng khắp thì ở bản Mông này, các thầy cô giáo phải dò từng luồng sóng để liên lạc với bên ngoài.

Biết được Tà Xi Láng khó khăn nên nhiều năm nay, đỉnh Tà Cao sừng sững này đã đón tiếp nhiều đoàn tình nguyện đến thăm và tặng quà cho bọn trẻ. Chương trình “đèn đom đóm” đã vượt núi đến tặng đèn cho học sinh ở đây, bọn trẻ mừng lắm vì có được dụng cụ thắp sáng thay cho đèn dầu. Rồi những đoàn thanh niên tình nguyện cùng bộ đội biên phòng đến làm đường, tặng áo ấm, chăn ấm cho học sinh. Dường như biết chuyện học chữ ở đây còn nhiều gian nan nên ai đến cũng muốn sẻ chia cùng Tà Xi Láng ít nhiều. 

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng theo lãnh đạo trường Tiểu học và THCS Tà Xi Láng, học sinh ở đây rất chăm học và duy trì tốt độ chuyên cần. Nhà trường và các phân hiệu đã cố gắng hết mình với nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, giúp các em yên tâm học tập. Các thầy cô giáo được phân công lên Tà Xi Láng dạy học tuy ban đầu có buồn nhưng càng thêm quyết tâm khi biết hoàn cảnh của học trò và đời sống của dân bản nơi đây còn nhiều khó khăn. Ai cũng chuyên tâm cho công tác chuyên môn mặc dù dạy chữ là nghề của thầy cô giáo nhưng dạy chữ ở Tà Xi Láng khó vô vàn. Bọn trẻ 100% là dân tộc Mông nên chúng chỉ biết nói tiếng Mông mà thôi. Dạy đến lớp 3 mà các em mới chỉ “bập bẹ” tiếng phổ thông. 

Tà Xi Láng những ngày giáp tết sương mù thêm dày đặc trên đỉnh núi Tà Cao nhưng từ trong những căn nhà, những lớp học, ánh lửa bập bùng đêm đêm như xé toang cái giá lạnh nơi sơn thẳm này. Tà Xi Láng còn đó những khó khăn, những thao thức và cả những mong đợi sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Đảng và Nhà nước để cuộc sống của người dân và chuyện học chữ nơi đây được tốt hơn. Chia tay Tà Xi Láng khi mùa xuân sắp về, phía sau chúng tôi là những cây pơmu cổ thụ sừng sững và kiên cường trên mảnh đất này. Phải chăng đó là biểu tượng cho ý chí bám trụ nơi gian khó và khát vọng ngọn lửa của ấm no hạnh phúc của đồng bào sẽ bùng lên cùng con chữ nơi đây. 

Nậm Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.