Ngôi trường được mệnh danh “ông tơ bà nguyệt“

GD&TĐ - Một ngôi trường nhỏ nằm trên vùng biên cương mù sương của tỉnh Sơn La tình cờ trở thành “ông tơ bà nguyệt”, khi 34 trong số 71 cán bộ giáo viên nơi đây nên duyên chồng vợ.

Ngôi trường được mệnh danh “ông tơ bà nguyệt“

Đến từ khắp mọi miền đất nước, họ bỗng trở thành người một nhà. Ngôi nhà đặc biệt ấy khiến những cái Tết xa quê bao năm nay của các thầy cô dần trở nên ấm áp, hạnh phúc như được đoàn tụ cùng gia đình. 

Tết ấm xa nhà trên đỉnh mù sương

Sinh ra và lớn lên ở một thành phố lớn, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm hàng đầu của cả nước, vì mối duyên đặc biệt, cô Đặng Thị Hoài lên Sơn La dạy học và trở thành giáo viên thứ 16 của Trường THPT Sốp Cộp. Sau một thời gian mệt nhoài bám trụ với thành phố, ngôi trường nơi đèo cao, dốc thẳm đã cho cô sinh viên mới ra trường được sống với đam mê của nghề và lần đầu thấy được lẽ sống một cách đầy đủ và ý nghĩa nhất về thiên chức nghề giáo.

Nên duyên với một thầy giáo trong trường là trai Hà Nội lên vùng biên dạy học, cô giáo trẻ nhớ như tin cái Tết đầu tiên xa nhà. Ngày ấy, dãy nhà tập thể chật hẹp với vách đất và gỗ mà có đến hơn 10 gia đình ở lại. Một đại gia đình đặc biệt cùng thức đón giao thừa bên chiếc tivi nhỏ và nồi bánh Tết, háo hức chờ trời sáng để đến với bản làng, hòa mình vào trò chơi dân gian của bà con nơi đây như ném pao, thổi khèn, múa xòe...

“Khi đó, nơi đây chưa có đường bê tông, không điện lưới, chưa có đến một căn nhà xây dù là cấp 4, nhưng cuộc sống không hề thấy tối tăm tẻ nhạt. Tết của thầy trò vùng cao thật giản dị. Không phải những chuyến du xuân, lễ hội mà đơn giản chỉ là quây quần bên những món ăn giản dị tự nấu, rồi sẻ chia ước muốn, khát khao, kể những câu chuyện vui, hát lên những khúc ca đằm thắm. Chúng tôi khỏa lấp nỗi nhớ nhà nhớ quê và niềm khao khát đoàn tụ cùng gia đình, người thân bằng tình thầy trò và nghĩa tình nhân dân” - cô Hoài bồi hồi nhớ lại.

Ngày nay, cuộc sống ở Sốp Cộp đã khác nhiều lắm. Bê tông hóa khắp các ngả đường, điện chiếu sáng từng ngõ xóm. Cuộc sống cũng đô thị hóa, có khu chợ lớn, khu công viên cho trẻ nhỏ, đèn cao áp sáng trưng các con đường thị trấn. Ngôi nhà tranh vách đất và gỗ năm xưa đã thay thế bằng ngôi trường khang trang và khu bán trú, dãy nhà ăn cho học sinh sạch đẹp. Các thầy cô giáo trẻ vùng xuôi năm xưa lên đây cũng đã có ngôi nhà riêng của mình. Song như một duyên kỳ ngộ, họ - những người đồng nghiệp đến từ ba miền Tổ quốc - vẫn tụ hội gần nhau khi Tết đến, xuân về. Hằng năm, có khoảng 20 - 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường THPT Sốp Cộp là người dưới xuôi ở lại ăn Tết.

“Chỉ riêng khu dân cư Nà Phe đã có 15 gia đình của giáo viên, nhân viên trong trường ở chung ngõ xóm. Sự gắn bó đã giúp những người xa quê như chúng tôi dần thấy nỗi nhớ quê như vơi bớt. Cuộc sống thay đổi với những bộn bề lo toan, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi là tình đồng nghiệp và tình thầy trò của chúng tôi.

Như đã thành nếp, năm nào cũng vậy, trước khi nghỉ Tết, nhà trường đều cố gắng tổ chức cho học sinh bán trú một bữa cơm ngày Tết đậm đà bản sắc, đầm ấm tình thầy trò. Nhiều người trong chúng tôi còn được gia đình lên thăm dịp Tết. Rồi niềm vui nhân thêm với sự quan tâm, sẻ chia, động viên cả về tinh thần và vật chất của các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn, như đơn vị Kinh tế quốc phòng 326; Công an huyện, đơn vị Đồn biên phòng 449, đội 2...” - cô Đặng Thị Hoài trải lòng.

Ươm mầm xanh trên vùng đất xa xôi

Sốp Cộp là một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước và chỉ có duy nhất một trường THPT. Câu chuyện nhiều người vẫn lấy làm thú vị là ngôi trường này có 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì có tới 42 người là người xuôi lên công tác; 17 cặp đôi nên vợ, nên chồng.

Đời sống của thầy và trò còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung, song ước mong ươm mầm của mảnh đất xa xôi này khiến giáo viên nơi đây luôn yêu nghề, gắn bó, bám trụ. Học sinh sinh ra, lớn lên từ vùng đất đầy sỏi đá, nơi biên cương của Tổ quốc khiến các em khát khao đi tìm con chữ, xây dựng tương lai, cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân và quê hương. Chính bởi lẽ đó, có những học sinh xa nhà đến hơn trăm km vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ đến trường. Còn lại, đa phần, nhà cách trường cả chục cây số vẫn kiên kì vượt dốc núi đến lớp học tập.

Những thầy cô giáo nơi xa đến đây, giờ đã quen với thời tiết khắc nghiệt, mưa nguồn suối lũ, hè nắng bỏng rát, ngộp thở bởi gió Lào; đông lạnh đến tê buốt, tái tê vì sương núi. Họ đã yêu mà mê đắm mùa Xuân vùng núi với những quả đồi được phủ màu xanh, ngập tràn hương sắc của hoa ban, trắng rừng mơ, mận; rực rỡ hoa đào; yêu phong tục của người Tây Bắc ăn Tết rải rác từ Tết Dương lịch cho đến Tết Nguyên đán.

“THPT Sốp Cộp là trường bán trú, nên học trò xa nhà coi giáo viên như là cha mẹ, phụ huynh gửi gắm tất cả niềm tin về con em cho thầy cô. Chúng tôi từ lâu cũng đã coi học trò và ngôi trường như chính những đứa con và mái nhà của mình vậy. Công việc của giáo viên vùng cao không chỉ là những giờ dạy trên lớp mà còn cả trách nhiệm, tình cảm sẻ chia mọi vui buồn, ước muốn của học sinh trong cuộc sống. Tình cảm thầy trò bền chặt, nghĩa tình đến như một lẽ tự nhiên. Đó là nhựa sống giúp giáo viên vùng cao yêu nghề hơn, gắn bó với vùng đất này” - cô Đặng Thị Hoàn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ