Việc tạo điều kiện tối đa cho học sinh như Quân thể hiện hết khả năng, sự sáng tạo, đó là cách làm đáng được học hỏi tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM).
Mỗi ngày đến trường để sáng tạo
Đến ngôi trường mang tên Trạng Trình, thật bất ngờ khi học sinh nào cũng có thể đọc tên hàng loạt các CLB, các chương trình ngoại khóa với tên gọi từ quen đến lạ.
Nào là CLB Em yêu khoa học, Tiếng Anh, Mĩ thuật, Robotics, Võ Vovinam, Em là nông dân, Khéo tay hay làm; Chương trình Khu vườn trên tầng cao, Ngày hội em yêu khoa học, Xuân yêu thương, Phiên chợ bán đồ từ thiện... Điều đặc biệt là, tất cả học sinh đều có thể tham gia các CLB này miễn phí.
“Một trong những bí quyết giúp nhà trường thành công trong mô hình hướng đến hội nhập là phát huy vai trò xã hội hóa giáo dục. Phụ huynh đã đồng hành với nhà trường trong các mô hình mới. Ví dụ như CLB Em yêu khoa học, một phụ huynh đang là giảng viên khoa Vật lý của một trường ĐH đã rất tâm huyết và đề xuất thành lập. Phụ huynh đó cùng với các cộng sự của mình là những người trực tiếp hướng dẫn các em sinh hoạt, học tập tại CLB”.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hạnh
Theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hạnh, mô hình các CLB năng khiếu, học thuật này đã giúp phát huy tối đa tiềm năng của HS. Như CLB Robotics đã giúp nhà trường chọn lọc ra những học sinh sáng giá trong bộ môn này. Chính các em đã mang vinh quang về cho trường với giải vô địch quốc tế Robotics, cấp độ sơ cấp năm 2014.
Từ đầu năm học 2014 - 2015, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phối hợp cùng Ban đại diện cha mẹ HS thực hiện công trình “Khu vườn trên tầng cao”. Nhờ ý tưởng độc đáo “xanh hóa sân thượng” mà một ngôi trường giữa nơi đô thị đất chật, người đông có được một khu vườn cho học sinh trồng rau, gieo hạt…
Vui nhất là đến kỳ thu hoạch, khối lớp nào bội thu sẽ tổ chức “phiên chợ rau sạch” ngay sau khi buổi học kết thúc. Không chỉ giúp sinh động hóa kiến thức trong sách vở, việc trồng, chăm sóc rau, cách xới đất, gieo hạt, tưới nước... giúp học sinh thêm yêu lao động, quý trọng những thành quả do mình làm ra.
Mới đây nhất, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ra mắt CLB “Khéo tay hay làm”. HS sẽ được học làm các loại bánh với giáo viên là đầu bếp người nước ngoài.
Sau khi thực hành xong, học sinh sẽ được mang sản phẩm về nhà. CLB đã tạo được tác động “kép”, vì trong quá trình học, ngoài kỹ năng làm bánh, học sinh còn tăng khả năng thực hành tiếng Anh khi được giao tiếp với giáo viên nước ngoài.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ: Chính từ hoạt động các CLB, hoạt động ngoại khóa, HS đã năng động, sáng tạo hơn và đặc biệt thích thú đến trường.
Được làm quen với các đề tài khoa học giúp các em tự tin và chủ động trong học tập |
Hội nhập giáo dục bắt đầu từ những việc nhỏ
Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, là trường tiểu học đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Với phương pháp dạy học tích cực, giáo viên đã tổ chức các tiết học thật sinh động, hấp dẫn, kích thích học sinh hứng thú học tập. Ngoài sách vở, học sinh được tiếp nhận kiến thức từ quan sát vật thật, việc thật, từ thực tế cuộc sống xung quanh.
Học sinh đến trường, ngoài trang bị kiến thức còn được rèn các kĩ năng căn bản, như lễ phép với thầy cô, lịch sự với bạn gái, dũng cảm – chân thành với bạn trai, nhặt được của rơi mang trả lại, văn hóa xếp hàng, nhận phần ăn phải nói lời cảm ơn… được tham gia những hoạt động học mà chơi, chơi mà học, từ đó thêm tự tin trong giao tiếp, tăng khả năng làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ, ứng xử trước những tình huống bất ngờ, kĩ năng sử dụng Internet…
Đây là kỹ năng tạo nền tảng vững chắc cho những cấp học cao hơn; và quan trọng là hướng đến việc đào tạo ra những công dân toàn cầu, phù hợp mục tiêu mà ngành Giáo dục hướng tới, đó là: Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là ngôi trường điển hình trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, hiện đại - học sinh tích cực”, là điểm đến học hỏi kinh nghiệm của nhiều đoàn giáo dục trong và ngoài nước.
“Hàng năm, có rất nhiều trường tiểu học ở các tỉnh bạn đến tham quan, học tập mô hình giảng dạy của nhà trường. Chúng tôi cũng đến rất nhiều trường ở trong nước và nước ngoài để học hỏi. Điều đặc biệt, không chỉ lãnh đạo mà cả học sinh trong trường cũng được đến giao lưu với các cơ sở giáo dục nước ngoài như Singapore, Australia” – cô Hạnh chia sẻ.
Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục...
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc.
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.