Ngời sáng phẩm chất, trí tuệ nhà giáo Việt Nam

Ngời sáng phẩm chất, trí tuệ nhà giáo Việt Nam

(GD&TĐ) - 160 tấm gương tiêu biểu nhất, đại diện cho trên 1,2 triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đã cùng tụ hội tại Hà Nội tham dự Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu

Tham dự buổi lễ có GS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam; GS Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam Trần Công Phong…

Những bông hoa đẹp nhất

160 nhà giáo tiêu tiểu về dự lễ tuyên dương, mỗi người có nét riêng về chuyên môn, hoàn cảnh, thời gian công tác và cuộc sống thường ngày. Nhưng ở họ đều cùng gặp điểm chung là phẩm chất đạo đức ngời sáng, tận tụy với nghề, thương yêu học trò… Họ đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng được nhiều HSSV giỏi, tài năng; có nhiều sáng kiến trong làm đồ dùng dạy học và quản lý; được học trò tin yêu, đồng nghiệp và nhân dân tôn vinh.

Có thể kể đến cô giáo người Mông Vàng Thị Ghếnh (Trường mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai) hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dạy trẻ lớp 5 tuổi xa trung tâm, nơi có 100% hộ nghèo nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi cách để vận động 100% trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và giảng dạy đảm bảo chất lượng.

Thầy Hoàng Văn Thể - Giáo viên Trường mầm non Tân Đức (Phú Bình, Thái Nguyên) đã vượt qua rất nhiều dị nghị, phân vân của phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và cả của người vợ yêu thương để vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thầy giáo mầm non.

Cảm động với thầy Thạch Sơn - Giáo viên trường tiểu học Hựu Thành B (huyện Trà Ôn,Vĩnh Long). Vợ bị bệnh hiểm nghèo nhưng thầy vẫn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật và nuôi dạy 3 con trai đỗ ĐH, thành đạt, có việc làm và đạt danh hiệu gia đình hiếu học.

Còn phải nói đến các thầy cô giáo THPT đã nỗ lực phấn đấu học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong hoạt động giáo dục, có thành tích xuất sắc bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế...

Những thầy cô giáo ở các trường PTDTNT, PTDTBT, trường dự bị ĐH dân tộc, TTGDTX luôn thương yêu học sinh, đi sâu tìm hiểu tâm tư, phong tục tập quán và tính cách của học sinh mỗi dân tộc, nắm bắt diễn biến tâm lý, tình cảm của từng em để làm tốt công tác chủ nhiệm, giảng dạy, phụ đạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cũng ghi nhận tấm gương các nhà khoa học, giảng viên ở các học viện, trường ĐH, CĐ đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, NCKH, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước; gương mẫu, đi đầu trong kết hợp giảng dạy với NCKH, chuyển giao công nghệ, biên tập, biên dịch, cập nhật kiến thức tiên tiến, hiện đại, bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ.

Những công trình NCKH cấp bộ, cấp nhà nước của các giảng viên, một mặt góp phần giải quyết nhiều vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, một mặt góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước…

cxc
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao hoa, bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu

Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao

Ngày 4/11, Ban chấp hành T.Ư khóa XI đã ban hành Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tại Lễ tuyên dương: Việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi Nghị quyết là vinh dự và trách nhiệm lớn lao trước hết thuộc về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT bao gồm đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp GD&ĐT; cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo việc thực hiện; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, đổi mới ở cả Trung ương, địa phương và mỗi đơn vị trường học.

“Các thầy cô giáo chủ động nghiên cứu, đề xuất, hiến kế những cách làm hay để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng XHCN; làm cho GD&ĐT phát triển hài hòa, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục ở các vùng miền.

Trong đó, quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và học sinh khuyết tật…”

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Sự nghiệp này đòi hỏi tâm huyết và quyết tâm cao, sự kiên trì và sáng tạo vượt bậc. Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Thường vụ Công đoàn giáo dục Việt Nam đề nghị các nhà giáo và cán bộ quản lý được tuyên dương hôm nay thực sự gương mẫu, đi tiên phong, động viên đội ngũ nhà giáo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Mỗi đơn vị, trường học cán bộ, nhà giáo nhận thức được những thành tựu, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc những hạn chế, yếu kém của Ngành, của đơn vị và mỗi cá nhân, nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, yếu kém.

Từ đó đề xuất, sáng tạo, tìm ra những cách làm hay, những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, phấn đấu tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả GD&ĐT. Đồng thời, tập trung khắc phục cơ bản những yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng yêu cầu mỗi đơn vị, trường học, căn cứ vào mục tiêu, nội dung đổi mới của mình, xây dựng kế hoạch đột phá đổi mới hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng GD, bảo đảm trung thực, khách quan theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Kiên trì đổi mới công tác quản lý nhà trường, đơn vị bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm, coi trọng quản lý chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Các trường học từ mầm non đến ĐH cần hết sức qua tâm việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục và khoa học quản lý để đưa nội dung giáo dục phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi của trẻ mầm non và HSSV.

Cùng với đó, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, văn hóa pháp luật và ý thức công dân. Thực hiện giáo dục học sinh phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả…

Tại buổi lễ, 160 nhà giáo tiêu biểu đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, buổi lễ đã công bố quyết định của Chủ tịch nước, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố GS Tạ Quang Bửu - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng trao tặng số tiền 160 triệu đồng cho các nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương.

fdfdf
GS Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đại diện thân nhân cố GS Tạ Quang Bửu

Một đất nước không thể phát triển nếu không có những công dân có năng lực sáng tạo.

Những công dân sáng tạo đó chỉ là sản phẩm của một nền giáo dục tiến, có chất lượng, được đảm bảo bởi một đội ngũ nhà giáo mẫu mực về đạo đức, tâm huyết với ngành, có tri thức và kỹ năng không ngừng được đổi mới.

Chính vì vậy, Đảng và Chính phủ luôn xác định đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nhà giáo cũng như mọi nghề nghiệp khác phải sống được để theo nghề, yêu nghề. Thế nhưng, nhà giáo có sự tôn vinh đặc biệt của xã hội bởi sản phầm của nhà giáo là con người có hiếu với mẹ cha, có ích với Tổ quốc, biết dấn thân, xả thân khi tổ quốc yêu cầu.

Để làm được điều đó, mỗi nhà giáo mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm cũng phải dấn thân ít nhiều” 

GS Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Hiếu Nguyễn - Nguyễn Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ