Ngôi nhà tuổi thơ yêu dấu

GD&TĐ - Nhận được bức ảnh ngôi nhà quê hương mà tướng Hiệu gửi, tôi đã lặng người xúc động trước một quang cảnh quá đỗi quen thuộc, thân thương, nhưng lại cũng đã mất đi lâu rồi. 

Ngôi nhà tuổi thơ yêu dấu

Đó là ngôi nhà nền nã, thanh bình ở quê mà dường như mỗi người Việt Nam chúng ta đều đã từng có, từng sống suốt thời ấu thơ ngọt ngào, và rồi cuộc sống mới đổi thay, xô đẩy, khiến chúng ta mất đi ngôi nhà yêu dấu ấy.

Nhưng với tướng Hiệu, ông không hành xử giống hầu hết mọi người, nên ngôi nhà xưa yêu dấu của ông vẫn còn đó, ngôi nhà qua năm đời người đã chở che, và bao dung, và giúp hình thành nên tâm hồn những người con sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà đó.

Ngôi nhà – tâm hồn tổ tiên

Hiện nay, ngôi nhà nhỏ năm gian của gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn vững vàng đứng nơi tâm điểm của mảnh đất ông cha để lại trong ngôi làng hình chiếc đồng hồ tại Hải Hậu (Nam Định). Chở che cho năm đời người, ngôi nhà tới nay đã trên 100 tuổi thọ, mang phong cách kiến trúc cổ truyền làng quê Bắc Bộ, với tường gạch, cột gỗ, khung mái tre, lợp ngói đỏ. Ngôi nhà có ba gian sinh hoạt chung ở giữa, hai buồng ngủ hai bên, thuận tiện cho sinh hoạt của một gia đình lớn.

Ngôi nhà được bố trí đắc địa với ao cá phía trước, vườn cây bao quanh, theo quan điểm “chuối sau, cau trước”. Hàng cau thẳng tắp vươn cao vừa mềm dẻo linh hoạt  mà bất khuất trước gió bão, đại diện cho chí khí con người nơi đây, vườn chuối phía sau nhà um tùm đầy đặn, bên lối đi vào nhà có cây xoan trổ hoa tím vào Xuân, cây mít cổ đeo quả nặng ngọt lịm mỗi khi Hè về, cây thị cho quả thơm ngát vào Thu…

Trong khung cảnh tĩnh mịch đẹp lặng lẽ như thiền, tôi có cảm giác nghe được tiếng cá quẫy dưới ao. Rất tiếc do thời gian, gió bão nhiều năm nên cây xoan và cây thị không còn. Cho đến bây giờ, biết bao người ao ước được trở về quê hương, tận hưởng khung cảnh này mà không thể có được. Cuộc sống đã thay đổi quá nhanh.

Tướng Hiệu hồi tưởng, ngôi nhà không chỉ là nơi che nắng, mưa, mà còn là minh chứng cho tài hoa nghệ thuật kiến trúc của cha ông. Vốn ở vùng gần biển có gió mùa nên nhà được chọn hướng Nam, hợp phong thủy lại tránh được nắng xiên khoai, tránh gió mùa đông bắc, tránh bão từ phía đông…

Dù đã trải qua cả trăm năm, được xây bằng gạch đóng thủ công bằng tay, nhưng cốt nhà vẫn vững chắc. Mái nhà xưa được lợp bằng bổi (một loại cói mọc ven bờ biển), lợp rất dày nên chắc chắn, thách thức cả gió bão. Loại mái bổi này có độ bền tới 30 năm, được người dân Hải Hậu tin tưởng lựa chọn làm nguyên liệu lợp mái qua nhiều thế hệ. Ngoài yếu tố bền, đẹp và thân thiện với môi trường, thì mái bổi còn có ưu điểm đông ấm hè mát, như một máy điều hòa không khí tự nhiên vậy.

Ấm áp, hào phóng

Ảnh cưới của anh Hiệu và chị Xuân
Ảnh cưới của anh Hiệu và chị Xuân 

Từ ngõ, để vào nhà phải qua một cái cổng tre có cây mây cuốn quanh. Ngày ngày, khi đi học, hay đi chơi, đi đánh cá trở về, cậu bé Nguyễn Huy Hiệu đều đi qua cổng tre tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại có nét đẹp khó phai. Cổng tre mảnh dẻ như thế mà bền chắc, trải qua mưa nắng dãi dầu, càng bạc đi thì càng khắc ghi lâu trong tâm trí.

Ao cá trước nhà thường được thả rau rút, rau muống, bèo cái, bèo bồng, cũng là một thiên đường nhỏ, nơi cậu trai nhỏ có thể cùng em, hoặc bạn trong xóm vùng vẫy tắm ngày hè nóng nực, săn chim sáo, chim chích trên cây xoan, câu cá, câu ếch dưới ao mỗi chiều, múc nước tưới cây trong vườn giúp mẹ, hớt bèo nuôi lợn…Những trưa hè quá nóng, ao nước giúp điều hòa nhiệt độ, các cô cậu bé thích ngồi bờ ao, vừa câu cá, vừa hóng mát. Cũng chính tại ao này, thời Pháp càn qua, anh Phiêu ở Trung đoàn 52 đã hy sinh anh dũng, để lại niềm xúc động, tiếc thương và ấn tượng sâu đậm trong lòng cậu bé Hiệu và gia đình.

Ngôi nhà năm gian lại vô cùng ấm áp khi đông về. Mỗi tối, sau bữa ăn, bố mẹ ngồi uống nước trò chuyện bên bàn trà, còn trẻ con thì ngồi ôn bài, làm bài tập về nhà hoặc đọc sách bên ngọn đèn dầu tỏa ánh vàng dịu ngọt bình yên. Những ngày có giỗ, các cụ ông sau bữa rượu sẽ ngồi quần tụ bàn việc người lớn, các cháu tụ tập chơi tú lơ khơ. Những câu chuyện vui buồn trong họ mạc được chia sẻ, chuyện đồng áng, chuyện đánh giặc… ngôi nhà trở thành chứng tích của thời gian và lịch sử gia đình, dòng họ, với dấu ấn của tổ tiên và những người đi trước.

Khi anh sĩ quan trẻ Nguyễn Huy Hiệu cưới vợ, cũng tổ chức lễ cưới ngay tại ngôi nhà này, và một bên buồng đã trở thành phòng cưới hạnh phúc của đôi uyên ương. Buồng bên kia là buồng ngủ của bố mẹ anh. Họ đã ở lại phòng tân hôn trong ngôi nhà tổ tiên được bảy ngày thì mới rời đi đến nơi công tác tại Lạng Sơn. Hiện nay, trong căn buồng đó vẫn treo ảnh cưới của anh Hiệu và chị Xuân cùng bộ giường tủ sắm cho lễ cưới của họ. Từng góc nhà, từng viên gạch lát, từng song cửa sổ, từng món đồ gia dụng, đều thấm đẫm tình cảm, sự nhớ nhung, gắn bó của từng người trong gia đình, trong mỗi thế hệ. Chỉ cần đứng lặng im bên chúng thì chúng sẽ kể ta nghe cả một câu chuyện lịch sử dài, với bao thăng trầm, buồn vui. Những câu chuyện và ký ức khắc khi trong ngôi nhà cổ của gia đình khiến những người con luôn gắn bó, luôn muốn trở về.

Vật báu của dòng họ

Với tình cảm ấy, nên tướng Hiệu đã quyết tâm giữ lại ngôi nhà cổ ở quê, mặc cho nhiều người khuyên ông nên bán đi để chia tiền cho người thân. Không những không bán, tướng Hiệu còn tôn tạo, tu sửa ngôi nhà, trên tinh thần tôn trọng kiến trúc cổ, chỉ thay mái bổi bằng mái ngói đỏ.

“Khi còn sống, bố tôi dặn rằng đừng phá ngôi nhà, dù có tiền xây nhà to hơn. Cho nên, khi anh Nam Phong, Tư lệnh Quân đoàn 1 tới thăm bố mẹ tôi tại nhà, đã quyết định ủng hộ toàn bộ ngói để thay mái mới. Tôi vẫn giữ nguyên cốt nhà, chỉ nâng nền nhà lên 15cm, dịch chuyển tường phía trước lên 10cm. Ngôi từ đường được xây bên cạnh, đảm bảo ngôi nhà cổ được giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay.” – Tướng Hiệu nói.

Việc giữ lại ngôi nhà, còn là bảo vệ một chứng tính lịch sử thời chiến tranh, khi Trung đoàn 52 đánh giặc Pháp đã từng trú ngụ tại ngôi nhà cha ông của tướng Hiệu. Ngôi nhà ngày nay trở thành một biểu tượng lịch sử về truyền thống gia đình, ghi dấu ấn thời chiến, trở thành nơi để mọi người trong gia đình tụ họp khi giỗ, tết, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm gắn kết tình cảm các thành viên trong dòng họ. Nhờ tầm nhìn của tướng Hiệu, mà ngôi nhà cổ được sống, như giá trị văn hóa, truyền thống gia đình được bảo tồn và truyền lại vẹn nguyên, không bị bào mòn bởi thời gian và dìm chết bởi sự thay đổi.

Ngôi nhà mái ngói năm gian của gia đình tướng Hiệu, tuy giản dị, nhưng lại đặc biệt giữa những ngôi nhà bê tông cao tầng đã vươn lên trong xóm. Ông xác định, ngôi nhà là tài sản vô giá do năm đời cha ông truyền lại, con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ, thụ hưởng và phát huy những giá trị truyền thống đó. Không bao giờ bán đất tổ tiên – vật báu của dòng họ. Phải giữ được nếp nhà quê ấm áp, để sau này, lớp lớp con cháu trưởng thành, dù đi xa tới đâu vẫn nhớ tới ngôi nhà cha ông, vẫn có một nơi yêu dấu để trở về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ