Nghĩa trang tạm bợ này được cho là một trong những nơi chôn cất nô lệ lớn nhất trên thế giới. Hàng ngàn người châu Phi đã được vận chuyển đến châu Mỹ để làm nô lệ đã nằm lại đây mãi mãi.
Nơi đây đã chứng kiến hàng ngàn xác chết bị bỏ mặc, bị đốt cháy và đôi khi là bị nghiền nát để có thể tạo ra nhiều không gian hơn bởi những tay buôn nô lệ của Brazil giữa thế kỷ 18 và 19.
Tuy nhiên, "nghĩa trang" này đã bị lãng quên trong nhiều thập kỉ qua. Nó chỉ tình cờ được phát hiện khoảng 21 năm về trước, trong khi đang làm việc cho chủ nhà Petrucio Guimaraes và Ana de la Merced, các thợ xây đã khai quật được một số bộ xương.
Khi họ báo chuyện này cho Merced, bà đã vô cùng lo sợ nếu cảnh sát biết được chuyện này, bà sẽ trở thành nghi can trong vụ án giết người hàng loạt.
Nhưng các nhà khảo cổ học đã khẳng định ngôi nhà của bà được xây dựng trên một trong những nghĩa trang nô lệ lớn nhất ở Brazil – điều này đã khiến người phụ nữ 60 tuổi này quyết định biến tài sản của mình thành một viện bảo tàng.
Trả lời giới truyền thông địa phương cách đây 21 năm, Merced nói rằng bà muốn tạo ra một "bằng chứng sống của tội ác nhân loại".
Đến năm 1996, triển lãm được mở ra, và thu hút hơn lượt 70.000 du khách mỗi năm. Bảo tàng chủ yếu tập trung sự chú ý và quan khách vào một hố lớn vẫn còn đầy xương của nô lệ, và bao gồm một bộ phim tài liệu ngắn cùng những món đồ tạo tác khác, chẳng hạn như một thanh sắt nung được sử dụng để đánh dấu nô lệ. Những mảnh xương hay những hộp sọ vỡ vẫn được giữ nguyên, nằm lẫn trong lớp bụi bẩn.
Tuy nhiên, Merced cho biết bà đang đứng trước nguy cơ buộc phải đóng cửa viện bảo tàng bất chấp thành công của nó, do thiếu nguồn tài chính.
Trợ cấp của chính phủ mà bà nhận được để duy trì bảo tàng đã bị cắt giảm sau cuộc suy thoái dữ dội ở Brazil, và hệ quả sau khi tổ chức Thế vận hội Rio.
Mặt khác, tổng thư ký của viện bảo tàng, ông Antonio Carlos Rodrigues, khẳng định cuộc suy thoái không hề liên quan gì đến quyết định cắt giảm ngân sách của chính phủ. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, ông tuyên bố:
"Chính phủ Brazil chưa bao giờ có bất kỳ mối quan tâm nào đến những nghi vấn này. Vấn đề không phải bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính gần đây”.
Merced nói rằng bà đang phải chật vật hằng tháng để chi trả cho các hóa đơn, và thậm chí không thể mua được những vật dụng vệ sinh cho nơi này.
Mặc dù vậy, bà vẫn một mực từ chối việc thu phí khách tham quan bảo tàng, phần lớn đến từ các trường học và là các học giả. Theo Merced, “chẳng hay ho chút nào khi thu phí người khác để họ được chứng kiến một tội ác”.
Khoảng năm triệu nô lệ đã được chuyển tới Brazil trước khi quốc gia này bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1888. Brazil là quốc gia cuối cùng ở châu Mỹ làm điều này. Nô lệ ở đây thường được bán để làm việc trong các đồn điền cà phê hoặc các mỏ vàng.
Bất cứ điều gì có thể xảy ra với bảo tàng, Merced nói rằng bà sẽ không bao giờ “chuyển” hàng chục ngàn nô lệ đáng thương đi nơi khác, bởi vì bà luôn xem họ như người thân trong gia đình.