Ngôi làng mong sinh con gái chỉ để… "mưu sinh"

GD&TĐ - Nghèo đói và phân biệt giai tầng đã đẩy những người làm cha mẹ trong làng Sagar Gram định hướng con gái vị thành niên của họ vào công việc bần cùng của xã hội là “bán vốn tự có”.

Những cán bộ của nhóm tư vấn cộng đồng Jan Sahas tại Dewas. Ảnh: Rebecca Conway.
Những cán bộ của nhóm tư vấn cộng đồng Jan Sahas tại Dewas. Ảnh: Rebecca Conway.

Cái bẫy

Nhóm vận động xã hội Jan Sahas ước tính có khoảng 100.000 phụ nữ và trẻ em gái đang là nạn nhân của phân biệt giai tầng và nô lệ tình dục.

Nhóm vận động xã hội Jan Sahas ước tính có khoảng 100.000 phụ nữ và trẻ em gái đang là nạn nhân của phân biệt giai tầng và nô lệ tình dục.

Sagar Gram, ngôi làng của Leena nằm ở miền Trung Ấn Độ, là nơi có nhiều điều độc nhất vô nhị. Tại đây, số lượng trẻ em gái nhiều hơn trẻ trai. Khi một người phụ nữ lập gia đình, nhà trai sẽ phải cho của hồi môn.

Phái nữ làng Sagar Gram là những người kiếm tiền nuôi gia đình. Khi một cô bé được cho là đã đủ lông đủ cánh, thường vào khoảng 11 tuổi, hầu hết các em bắt đầu ngong ngóng đi “lao động” kiếm tiền.

Gần 70 năm về trước, Ấn Độ đã tuyên bố bãi bỏ nạn phân biệt đối xử. Tuy nhiên, nếp nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ thì chưa dễ gì xóa được. Theo số đông người Ấn, giai tầng sẽ được xác định qua việc kết hôn và ăn uống. Đây cũng chính là cái bẫy dẫn dụ hàng triệu nạn nhân vào nghề lao động tình dục.

Bóc lột tình dục và mua bán trẻ em ở Sagar Gram và hàng chục ngôi làng xa xôi khắp Ấn Độ là một trong những vấn nạn đáng lo ngại nhất tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới này.

Theo ông Ashif Shaikh, doanh nhân kiêm người sáng lập Tổ chức Cộng đồng Jan Sahas, người thường xuyên tiếp xúc với các cộng đồng được coi là tầng lớp dưới trong xã hội Ấn Độ - còn được gọi là “đẳng cấp thứ 5” hay Dalit - quyền lực yếu ớt của các cộng đồng này chính là nguyên nhân trực tiếp đẩy phụ nữ vào con đường bán dâm.

Bất kỳ cô bé nào lớn lên ở làng Sagar Gram đều được nghe kể một câu chuyện, như một huyền thoại của người Hindu vậy. Chuyện kể rằng, một vị vua nọ đem lòng yêu một vũ nữ.

Không may nữ hoàng biết được, bà tức phát điên và ra lệnh cho cô gái này phải vượt qua thử thách: Để được ra nhập gia đình hoàng gia, cô phải đi trên một sợi dây từ bờ bên này để đến được bên kia sông. Nhưng khi cô gái đi đến gần bờ bên kia, nữ hoàng bất ngờ cắt dây.

Leena bây giờ đã 22 tuổi, cô nhớ những gì được nghe kể về những người phụ nữ trong làng. Cô nhớ như in cái cảm giác kinh ngạc khi những đàn chị trong tầng lớp Bacchara của cô bỗng nhiên có tiền để mua quần áo đẹp và phấn son.

Khi Leena bước vào tuổi 15, gia đình đang khốn khó, người ta đã bảo cô rằng: “Nhà cháu đang túng quẫn đấy, làm sao có tiền cho cháu đi học được. Giờ là lúc cháu cần đi làm kiếm tiền rồi”.

Thế là, cô bắt đầu mọi thứ. “Những bạn nữ trong làng đã đi làm, nên tôi cảm thấy cũng phải làm giống như họ thôi. Đấy là trách nhiệm của tôi”, Leena tâm sự.

Các cô gái trong làng Sagar Gram hầu như phải bươn chải cuộc sống từ khi mới ra đời. Nơi họ làm việc là dọc đường quốc lộ. Các bậc phụ huynh trong làng sẽ ngồi định giá xem đứa con gái nào của họ đắt nhất.

Các cô gái lớn hơn sẽ dạy các cô mới vào nghề những mẹo vặt để thu hút khách. Những người lái xe tải qua đường là khách hàng tiềm năng của họ. Các cô gái trẻ non kinh nghiệm có thể trốn dưới gầm giường để học hỏi kinh nghiệm khi người đi trước hành nghề.

Từ “tình dục” là cái gì đó huyền bí đối với Leena. Cô nói: “Khi tôi còn trẻ, điều quan trọng nhất là chăm chăm xem khách hàng cho bao nhiêu tiền. Tôi không hiểu họ làm gì mình, tôi chỉ chờ xem khi nào họ đưa tiền thôi”.

Nghề mưu sinh

Ông Balram Chauhan thuộc cộng đồng người Bacchara luôn chống lại việc 5 cô con gái của ông đi làm nghề mại dâm. Ảnh: Rebecca Conway.

Ông Balram Chauhan thuộc cộng đồng người Bacchara luôn chống lại việc 5 cô con gái của ông đi làm nghề mại dâm. Ảnh: Rebecca Conway.

Tư tưởng “trọng nữ” tại Ấn Độ đã gây ra sự mất cân bằng giới tính sâu sắc. Kết quả cuộc điều tra dân số ở cộng đồng người Baccharas tại làng Sagar Gram đã chứng minh tất cả: Có tới 3.595 phụ nữ, trong khi nam giới chỉ có 2.770 người.

Còn nữa, nếu đến thăm làng này vào lúc chiều tối, bạn khó mà nhìn thấy bóng dáng đàn bà, con gái. “Họ đi khách sạn và bến xe hết cả rồi”, một người đàn ông lớn tuổi bên đường quốc lộ nói. Dọc đường, cứ vài trăm mét người ta lại bắt gặp các cô gái ngả ngốn chờ khách trên chiếc những chiếc giường.  Phát hiện bất kỳ phương tiện nào đi chậm lại là họ vẫy tay mời chào.

Theo luật pháp Ấn Độ, tuổi quan hệ tình dục hợp pháp là 18. Làng Sagar, bang Madhya Pradesh vừa thông qua lệnh tử hình người nào bị kết tội hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi, đồng thời tăng thời gian phạt tù đối với những người quan hệ tình dục với trẻ dưới 18.

Theo cảnh sát địa phương, đến nay đã có 7 người bị bắt vì tội bán con gái ruột ở tuổi vị thành niên. Luật đã rõ ràng song việc thực thi rất ít, nó chịu cản trở từ phong tục và tình trạng kinh tế kiệt quệ.

Ông Nagendra Singh Sikarwar, trưởng đồn cảnh sát khu vực Jeeran khẳng định: “Đây là một công việc truyền thống, thậm chí có cô gái được chúng tôi giải cứu an toàn rồi nhưng vẫn quay lại nghề mại dâm. Vấn đề cốt lõi là ở đây họ chẳng có việc gì khác để mưu sinh, vậy là gia đình lại muốn con gái quay về nghề cũ”.

Hầu hết đàn ông người Baccharas không đi làm. Xã hội Ấn chỉ dành những công việc thấp hèn, bèo bọt nhất cho họ. Vì thế, hàng ngày những người đàn ông này cùng các thành viên gia đình ngồi dưới hiên nhà chờ cho tới khi con gái họ đi khách về.

Tuy nhiên, một người đàn ông trong làng tên là Balram Chauhan, 52 tuổi, có 5 người con gái, lại cương quyết không cho con theo nghề mại dâm. “Có cha mẹ nào lại muốn đuổi con gái đi đến chốn bệnh tật, đau đớn thể xác, tinh thần không?”, ông nói.

Mẹ của ông từng làm gái mại dâm. Ông cũng đã hành động rất nhiều song 4 người chị cũng không thoát khỏi con đường này. Ông Chauhan đã cố gắng can ngăn 4 người chị, nhưng cha mẹ ông lại phản đối. Họ cho rằng đó là một văn hóa có từ lâu đời.

Ông không thể nào chuyển gia đình ra khỏi làng. Lý do là không ai cho phép người thuộc tầng lớp như ông trong xã hội thuê nhà. Những cộng đồng thuộc đẳng cấp “cao hơn” gần đó cho rằng sự tồn tại của những người Bacchara là một thứ gì đó nhơ nhuốc. Vậy nên ông đã tự mở một cửa hàng nhỏ bán bánh kẹo ngay tại làng để nuôi các cô con gái.

“Giá có một cô con gái thì tôi còn lo được, đằng này 5 đứa, khó quá!”, giọng ông Chauhan trầm xuống, có phần day dứt từ tâm khảm một người cha.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.