Nghiệp vụ sư phạm - Cần cải tiến mang tính đột phá

Nghiệp vụ sư phạm - Cần cải tiến mang tính đột phá
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: N.N
Các đại biểu tham gia Hội thảo. Ảnh: N.N

Theo GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mục tiêu của hội thảo là từ thực trạng đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên trong nhiều năm qua ở các trường, khoa sư phạm, đánh giá các kết quả đạt dược, tìm ra những kinh nghiệm, biện pháp cụ thể để khắc phục thực trạng đào tạo tay nghề cho những sinh viên sư phạm hiện nay, đặc biệt là mong muốn rút ra những cải tiến có tính đột phá để tạo ra đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, đáp ứng thực tiễn giáo dục đòi hỏi trong xu thế hội nhập.

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm của hội thảo đề cập đến mắt xích yếu nhất, quan trọng nhất của nghiệp vụ sư phạm là rèn luyện kĩ năng nghề cho sinh viên thông qua một số khâu cơ bản để tổ chức tốt quá trình đào tạo nghề cho sinh viên hiện nay.

Hội thảo đã thu hút được trên 50 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, giảng viên, các nhà nghiên cứu từ nhiều trường ĐH và CĐ sư phạm, viện nghiên cứu trong cả nước.

Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất là thông qua các báo cáo gửi tới Hội thảo là sự trăn trở và tâm huyết của các nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu và các giảng viên đang trực tiếp đứng lớp về thực trạng nghiệp vụ sư phạm và các giải pháp đào tạo giáo viên hiện nay của các trường ĐH và CĐSP; qua đó, muốn gửi tới các cấp quản lý thông điệp: đã đến lúc cần có sự nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vấn đề nghiệp vụ sư phạm và cần có các giải pháp mang tính cách mạng để giải quyết vấn đề này.

Tại hội thảo, kinh nghiệm và mô hình đào tạo giáo viên của các nước trên thế giới và khu vực cũng được giới thiệu; bên cạnh đó là các nghiên cứu, thực nghiệm hoặc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân các giảng viên, nhà nghiên cứu và của các cơ sở đào tạo giáo viên về các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là các kĩ năng dạy học các môn khoa học.

Hầu hết các báo cáo đều đã đề xuất các cơ sở khoa học, các định hướng, giải pháp, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ sư phạm trong thời gian tới.

Ngoài ra, một số vấn đề ít được đề cập sâu sắc trong các báo cáo đã được đề cập một cách nghiêm túc, như: các vấn đề cốt lõi của hoạt động giáo dục, tức là cốt lõi của nghề dạy học hiện đại như nhân cách người thầy giáo cùng với các năng lực tổ chức giáo dục học sinh và các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm  khác; vấn đề lý luận về nhà trường phổ thông hiện đại và yêu cầu về năng lực sư phạm tương ứng đối với đội ngũ giáo viên; về các tiêu chuẩn nghiệp vụ sư phạm của người giáo viên; các mô hình đào tạo giáo viên đa dạng ; các giải pháp định hướng phát triển hệ thống các trường đào tạo giáo viên; giải pháp nhằm thống nhất chương trình, liên thông, liên kết  giữa các cơ sở đào tạo; các giải pháp mang tính đột phá ngay trong chương trình đào tạo giáo viên….

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo. ẢnhL N.N
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo. ẢnhL N.N

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, vấn đề nghiệp vụ sư phạm chưa được thực sự được coi trọng đúng mức và cho rằng, trong quá trình đào tạo phải tính đến vấn đề nghiệp vụ sư phạm ngay từ đầu và phải được lồng ghép, tích hợp trong suốt quá trình đào tạo.

Nói về những năng lực cần thiết cho giáo viên trong thời gian sắp tới, Thứ trưởng nhấn mạnh đến năng lực phát triển chương trình, người giáo viên phải biết phát triển từ chương trình khung thành chương trình của mình, của địa phương mình một cách phù hợp; năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục và năng lực giáo viên phải tự hoàn thiện mình để phát triển nghề nghiệp, gắn liền với năng lực tự học và năng lực thu thập xử lý thông tin.

Hướng tới năng cao nghiệp vụ sư phạm, Thứ trưởng đề nghị các trường cần tập trung đến vấn đề rà soát chương trình; vấn đề hình thức tổ chức đào tạo, phương thức tổ chức đào tạo.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ