Về phía Mạng Công dân Toàn cầu (CDTC) có GS Carlos Alberto Torres - Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu và đồng Chủ tịch Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu thuộc tổ chức UNESCO; ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục CDTC, Tổng giám đốc Mạng Giáo dục CDTC và Giáo sư Ana Elvira Steinbach Torres - Thành viên Mạng Giáo dục CDTC.
Tiếp thành viên Mạng CDTC, phía Việt Nam có đại diện của Vụ GD ĐH, các trường ĐH Sư phạm, Viện Khoa học GD, Ban soạn thảo CT&SGK mới.
Cảm ơn sự đón tiếp trang trọng và sự đón nhận với chương trình CDTC của Bộ GD&ĐT, GS Carlos Alberto Torres cho hay ông rất mong muốn Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa Chương trình (CT) giáo dục công dân toàn cầu (GD CDTC) vào nội dung giảng dạy trong trường học của Việt Nam.
Giới thiệu về CT giáo dục CDTC, GS Carlos cho biết: Hiện nội dung về Giáo dục CDTC đang được giảng dạy tại ĐH California tại LosAlgeles từ 2015 và dựa trên kết quả của sáng kiến GD toàn cầu.
Từ năm 2012 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Bankimoon đã sáng lập ra CT CDTC dựa trên 3 trụ cột cơ bản: Giáo dục cho tất cả mọi người, nâng cao chất lượng giáo dục và Giáo dục CDTC. Và chỉ khi nào phát triển CT Giáo dục CDTC (trụ cột thứ 3) thì mới có thể đạt được 2 trụ cột trên.
GS Carlos bày tỏ mong muốn được chia sẻ kế hoạch, đưa nội dung tiêu chuẩn của CDTC vào trong nội dung giáo dục của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đào tạo tập huấn cho đội ngũ giáo viên.
Khẳng định, đây là một chương trình thú vị để đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới, nhờ đó công dân Việt Nam sẽ được giáo dục để biết tôn trọng giá trị chung của nhân loại, của các dân tộc khác, năng lực hợp tác với bạn bè quốc tế và tham gia thị trường lao động, GS Carlos Alberto Torres chia sẻ:
“Hiện nay ĐH California (Los Angeles) đang triển khai 3 chương trình GD CDTC gồm: Toàn cầu hóa và công dân toàn cầu; Giáo dục CDTC (nhấn mạnh chất lượng, tiêu chí giá trị của CDTC) và Phương pháp giảng dạy GD CDTC.
Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin, nội dung phương pháp về 3 khóa học này nếu Việt Nam thấy phù hợp và có nhu cầu. Dự kiến sắp tới sẽ có 15 trường ĐH sẽ đưa 3 môn học này vào CT giảng dạy, tạo thành mạng lưới GD CDTC ở các trường ĐH”.
Đồng thời, nếu Việt Nam đồng ý đưa CT Giáo dục CDTC vào các bậc học, Mạng lưới muốn hỗ trợ giáo viên giảng viên kiến thức, kỹ năng để giảng dạy về nội dung CDTC gồm cả bậc THPT và ĐH.
GS Carlos Alberto Torres cũng cho hay, hiện Mạng lưới CDTC đã xây dựng bộ câu hỏi 125 câu hỏi, Một người trả lời 80% câu hỏi này sẽ được nhận chứng chỉ là CDTC. GS Carlos cũng bày tỏ hy vọng, từ nay cho tới 2020 Việt Nam sẽ có 5 triệu người có chứng chỉ CDTC.
Tham gia buổi làm việc, đại diện cho Ban soạn thảo CT&SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận, việc đưa các nội dung của CT vào nội dung giảng dạy trong các bậc học ở thời điểm này khá thuận lợi vì GD Việt Nam đang xây dựng CT, SGK mới.
Song, để triển khai vào thực tế thì không dễ dàng vì so với hiểu biết xã hội của số đông người dân Việt Nam, những nội hàm của CT CDTC có một khoảng cách khá xa.
Tuy nhiên, đây cũng là nội dung cần thiết cho công dân Việt trong thời kỳ hội nhập, 3 trụ cột của CT Giáo dục CDTC cũng phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.
Do đó, GS Thuyết đã đề nghị Mạng lưới có thể cung cấp cho Bạn soạn thảo các bộ tài liệu, tiêu chí cách thể hiện nội dung Giáo dục CDTC trong CT học của các nước như thế nào để Việt Nam nghiên cứu, học tập
Còn theo đại diện của các trường ĐH Sư phạm, GS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng ĐHSP Thái Nguyên - cho rằng, cần cân nhắc khi đưa nội dung của CT Giáo dục CDTC vào CT học như các môn học độc lập.
Hiện nay các CT học trong nhà trường ở các bậc học đều đã quá tải, hơn thế nữa, trong các môn học của Việt Nam ở các bậc học cũng đã có các nội dung này.
Theo định hướng xây dựng các môn học theo hướng tích hợp, liên môn mà Bộ GD&ĐT đã xác định, nên chăng đưa các nội dung, nội hàm của Giáo dục CDTC vào lồng ghép theo huớng tích hợp với các môn học khác.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khẳng định, nội dung, nội hàm và mục tiêu của CT Giáo dục CDTC rất phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng thời, đây là chứng chỉ thể hiện con người có khả năng làm việc trong thời kỳ toàn cầu hóa. Do đó, Bộ trưởng đã đề nghị GS Carlos và Mạng lưới CDTC cung cấp đầy đủ nội dung, tư liệu, các bộ tiêu chí về CT Giáo dục CDTC cho Bộ GD&ĐT.
Trên cơ sở nội dung nội hàm tiêu chí đó, Bộ trưởng giao Viện KHGD Việt Nam phối hợp với Vụ GD ĐH, Ban soạn thảo CT, SG làm bảng 1 so sánh tìm ra sự khác biệt, tương đồng để có định hướng tiếp nhận một cách chủ động.
Những gì phù hợp sẽ đưa dần vào môn học. Nếu khác biệt sẽ xem xét để sắp xếp một cách phù hợp. Giao Viện KHGN xây dựng một Đề tài về triển khai áp dụng CT Giáo dục CDTC tại Việt Nam để triển khai nội dung này một cách bài bản, thống nhất.
“Về mục tiêu 5 triệu người Việt đạt chứng chỉ CDTC theo đề nghị của Gs Carlos, Việt Nam rất muốn tham gia Mạng CDTC, song sẽ không bắt buộc mà sẽ công bố công khai trên mạng, để mọi người biết, tham gia, tự học, tự soi, tự sửa trên cơ sở các bảng giá trị, tiêu chí, bộ câu hỏi. Bộ sẽ chỉ hướng dẫn, khuyến khích, không bắt buộc” - Bộ trưởng khẳng định.