Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGD&ĐT ngày 26/5/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 13/2020/TT-BGD&ĐT). Thông tư nhằm:
Xác định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông;
Xác định mức độ đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia;
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục. Theo đó, tiêu chuẩn cơ sở vật chất được quy định nhiều mức độ khác nhau để các đơn vị lập kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất trường học phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương.
Để có không gian học tập tốt và an toàn trường học, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng, thường xuyên cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Đồng thời, định hướng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế. Cùng với đó, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học; đảm bảo quỹ đất cho các cơ sở giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục và đào tạo.
Tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến của các địa phương về những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 13/2020/TT-BGD&ĐT và sẽ tiến hành nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với từng vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.