Hội thảo được được Trường Đại học Trà Vinh và Viện Nghiên cứu và hợp tác về bảo tồn gen Katki, Hungary đồng phối hợp tổ chức với chủ đề Nghiên cứu nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Đại học Trà Vinh, trước nhu cầu bức thiết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như tìm giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi những ý tưởng mới; tìm ra những mô hình sản xuất mới thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác cùng phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Ngày 21/9 các đại biểu tham dự Hội thảo đã có các cuộc điền dã tại các vùng ngập mặn, đi thăm mô hình rừng đước sinh thái ven biển, thăm hệ thống canh tác nông nghiệp thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thăm ngư trường nuôi hàu ở xã Trường Long Hòa.
Ngay tại các buổi thực tế cơ sở này, các đại biểu đã có những trao đổi chuyên môn về các lĩnh vực liên quan, cũng như ghi nhận những ý kiến phản hồi từ cơ sở.
Bước vào ngày Hội thảo, tại phiên làm việc chính thức các diễn giả đã trình bày nhiều vấn đề đang được quan tâm như: Bảo tồn và phát triển giống vật nuôi truyền thống của Hungary tại Trung tâm nghiên cứu HáGK của TS. Szalay István, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Gene Vật nuôi trang trại, Hungary; Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của RYNAN AgriFoods, Trà Vinh, Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, Việt Nam - trình bày báo cáo về Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thích ứng biến đổi khí hậu; Bảo tồn gen cho động vật ở Việt Nam của PGS.TS.
Nguyễn Văn Đức - Biên tập viên Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Chăn nuôi; Diễn giả PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long - có tham luận về Liên kết vùng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Chiều cùng ngày, Hội thảo chia ra làm việc tại 4 tiểu ban, các nhà khoa học tiếp tục tập trung thảo luận và tìm các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng bàn giải pháp bảo tồn gen, quản lý môi trường, phát triển công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch…
Với hơn 60 bài nghiên cứu có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước gửi về. Các bài nghiên cứu gắn liền với phát triển nông nghiệp, bảo tồn gen và các vấn đề liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thu về giá trị cao…
Theo Ban tổ chức, kế thừa thành công của lần này, Hội thảo Việt Nam - Hungary lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại đất nước Hungary vào năm 2018.